Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng “văn hóa học đường”

16:29, 10/09/2010

Mục tiêu giáo dục đào tạo của nhà trường là đào tạo ra những con người mới phát triển toàn diện “vừa hồng vừa chuyên”. “Văn hóa học đường” là một biện pháp góp phần quan trọng xây dựng nhân cách con người. Muốn thế, học trò phải được rèn luyện, học tập trong môi trường sư phạm “Trường ra trường, lớp ra lớp”. Và phấn đấu nội dung tiêu chí xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực, lấy môi trường văn hóa giáo dục sư phạm làm nền tảng; lấy việc giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, tác phong, đạo đức, lối sống xây dựng nhân cách làm trọng tâm.

 

Nói đến trường, lớp là nói đến cơ sở vật chất. Trường có thể là nhà xây bốn, năm tầng, nhưng cũng có thể chỉ là nhà mái ngói cấp 4, nhưng phải đạt yêu cầu thoáng mát, đủ ánh sáng. Sân trường rợp bóng cây xanh, đặc biệt các loại cây gắn liền với tuổi học trò: Cây bàng lá đỏ, hoa phượng vĩ, hoa bằng lăng v.v… Cổng trường khang trang, có biển kẻ tên trường to, đẹp, rõ ràng, xung quanh trường xây tường bao để bảo vệ trật tự an ninh cho thầy trò. Những chiếc ghế đá kê hợp lý dưới bóng mát ở sân trường, giờ chơi các em học sinh ngồi nghỉ ngơi, tâm sự hoặc “truy bài”. Sân bóng rổ, cầu lông, bóng đá mini chứng kiến những trận đấu “nối vòng tay lớn” đầy tính bạn bè. Sân khấu ngoài trời tạo điều kiện cho học trò giao lưu văn hóa, văn nghệ… Phòng học chuẩn phải theo kích thước quy định, có cửa kính, cửa chớp, kê bao nhiêu bộ bàn ghế tương ứng với sĩ số học sinh. Lớp có đủ số bóng điện cần thiết, quạt trần, mùa hè thoáng mát, ấm áp khi đông về. Bảng đen, bục giảng… trang trí lớp học không làm ảnh hưởng tới sự tập trung của học trò… Đối tượng trung tâm xây dựng “văn hóa học đường” là thầy cô và trò. Thầy cô phải là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo, toàn tâm, toàn ý dạy văn hóa, dạy đạo đức để đào tạo ra những con người mới. Thầy cô bước chân lên bục giảng là bước vào “ngôi đền thiêng”. Cả trăm” con mắt trẻ thơ” đang dõi theo tư thế tác phong, lời ăn tiếng nói của thầy cô. Đứng lớp, thầy cô dạy cho trò điều hơn lẽ thiệt, đạo lý làm người, kiến thức khoa học, gợi cho trò ước mơ, lẽ sống…

Còn sự học ngày nay khác xưa nhiều. Do tiếp cận nhiều “kênh” thông tin khác nhau, trò tự tin, tự chủ đến lớp học. Trò “học” là để “hành”, vận dụng kiến thức sách vở vào cuộc sống. Xây dựng “văn hóa học đường”, nhiệm vụ không chỉ của thầy cô và trò mà còn là của gia đình, của toàn xã hội. Văn hóa học đường rất rộng, nhưng cũng rất cụ thể. Việc quan trọng phải có suy nghĩ đúng để chỉ đạo hành vi cho đúng. Vì sao việc quay cóp hiện nay rất phổ biến trong giờ kiểm tra? Vì trò chưa thấy được đó là một thói xấu cần loại bỏ. Pháp luật cấm học sinh chưa đủ 18 tuổi đi xe máy, nhưng học sinh vẫn ngang nhiên phóng ào ào, là do chưa nhận ra đó là phạm pháp? Nhiều học trò đến trường lấy “chơi làm đầu”, chưa tự xác định nhiệm vụ học tập của chính mình. Học để làm gì? Học như thế nào? Kết quả học ra sao?
Học trò, trước tiên phải là một con người có văn hóa, không được phép bỏ qua những nguyên tắc tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Với ông bà, cha mẹ “đi thưa về chào”, với anh chị “trên kính dưới nhường”. Biết nói lời hay làm việc tốt,  biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải, kinh trọng thầy cô… đó là “văn hóa học đường” mà gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải quan tâm xây dựng.

Phạm Như Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.