Multimedia Đọc Báo in

Ngành Giáo dục - Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột: Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

10:02, 27/10/2010

Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột nhằm khắc phục sự chênh lệch giữa nội thành và vùng ven, vùng đồng bào DTTS

Những năm qua, ngành GD - ĐT thành phố đã đạt những kết quả nhất định trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, thực tế vẫn có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng học tập của học sinh vùng nội thành và vùng ven, nhất là học sinh người DTTS. Số học sinh DTTS có học lực trung bình, yếu kém, chiếm tỷ lệ khá cao, nhiều em lưu ban, bỏ học. Theo Phòng GD - ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận đồng bào đời sống còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; còn ít giáo viên là người dân tộc tại chỗ, giáo viên biết tiếng DTTS nên khó giao tiếp với học sinh; môi trường, cảnh quan  trường học cũng như việc đi lại của học sinh tại nhiều buôn chưa bảo đảm; nhiều học sinh DTTS tiếp thu chậm, không theo kịp chương trình giáo dục phổ thông dẫn đến chán nản, bỏ học…

Trước thực trạng trên, ngành đã xây dựng kế hoạch về giáo dục học sinh DTTS và vùng khó khăn, theo đó, từ năm học 2009-2010 tập trung duy trì số lượng, bảo đảm chất lượng, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của giáo dục DTTS trong sự nghiệp giáo dục chung của TP, từ đó có giải pháp đầu tư, chăm lo toàn diện cho giáo dục vùng đồng bào DTTS. Dựa vào kết quả khảo sát tình hình giáo dục học sinh DTTS của các trường học, ngành xây dựng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để tuyên truyền vận động toàn dân đưa trẻ đến trường, nhất là với trẻ 5 tuổi vào lớp mẫu giáo và 6 tuổi vào lớp 1; định hướng cho những học sinh đã tốt nghiệp các cấp học tiếp tục học lên hệ phổ thông hoặc bổ túc, học nghề; xây dựng trường lớp khang trang góp phần tạo môi trường hấp dẫn thu hút trẻ đến trường. Bên cạnh đó, ngành đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục học sinh DTTS, học sinh khuyết tật và ký cam kết thực hiện; tiếp tục thực hiện  việc dạy tiếng Êđê tại các trường đã triển khai học những năm trước; tổ chức tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên về chuyên môn, phương pháp giảng dạy đối với học sinh DTTS; hàng tháng ngành đều tổ chức sinh hoạt cụm cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn; đồng thời  các trường có kế hoạch dạy tăng tiết một số môn và  phụ đạo cho học sinh yếu kém. Đẩy mạnh công tác giao lưu kết nghĩa giữa các trường nội thành với các trường vùng ven thuộc các buôn đồng bào DTTS, nội dung kết nghĩa chủ yếu là giúp nhau về nghiệp vụ quản lý, phương pháp dạy học.

Huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp và duy trì sĩ số là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục học sinh DTTS.
Huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp và duy trì sĩ số là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục học sinh DTTS.

Việc huy động trẻ đến lớp, chống lưu ban, bỏ học được ngành triển khai qua các bước thực hiện tốt các chính sách ưu tiên cho học sinh DTTS, chú ý giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kiên quyết không để học sinh vì quá khó khăn về kinh tế phải bỏ học; giáo viên cần phát hiện sớm dấu hiệu học sinh lười học, nghỉ học phải kịp thời liên lạc với phụ huynh để có hướng khắc phục kịp thời; đoàn thanh niên các xã, phường xây dựng lực lượng nòng cốt phối hợp cùng các trường vận động học sinh bỏ học trở lại lớp.

Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trong năm học này và những năm học tới, không chỉ riêng ngành giáo dục mà các ngành  chức năng cần tiếp tục ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để các trường học có điều kiện dạy 2 buổi/ ngày; có chỉ tiêu tuyển dụng mới giáo viên bộ môn cho các trường vùng đồng bào DTTS, kèm theo ưu tiên về chế độ chính sách; cho phép Phòng GD - ĐT liên hệ với các trường đại học, cao đẳng mở nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tiếp tục nhân rộng mô hình dạy tiếng và chữ Êđê cho các trường...

Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 113 trường, 67.960 học sinh, trong đó học học sinh DTTS có hơn 12.300 em, chiếm tỷ lệ 18%; 27 trường, gồm 18 trường tiểu học, 9 trường THCS có nhiều học sinh DTTS theo học .
Trong năm học vừa qua có 451 học sinh bỏ học, tỷ lệ 0,66 %, trong đó học sinh DTTS cấp THCS là 95 em,  tiểu học là 31 em .

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc