Multimedia Đọc Báo in

Khát khao cái chữ trên “cổng trời” Ea Lang

10:13, 03/11/2010

Người dân địa phương gọi đỉnh Ea Lang (xã Cư Pui – Krông Bông) là “cổng trời”, nơi đó có thôn Ea Rớt nhiều năm nay vẫn sống trong cảnh khó khăn, khát khao cái chữ.

Phải đi khoảng 20 km đường rừng, vượt qua 5 đỉnh núi, cùng 5 ngọn đèo nhỏ và qua mấy cây cầu tạm, có chỗ phải dắt bộ hàng trăm mét mới đến được thôn Ea Rớt. Trên những vạt rừng trải dài hơn 10 km, những ngôi nhà tranh nằm rải rác, hai bên con đường đất còn ngập ngụa bùn, những đứa trẻ tóc vàng hoe đang bốc đất chơi. Một số hộ đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì… di cư đến đây từ đầu những năm 1990 và thôn được chính thức thành lập năm 2001, hiện có 240 hộ (18 hộ người Kinh), hơn 1000 khẩu. Đây là thôn xa trung tâm nhất, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm hầu như chưa có gì, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Theo thôn phó Mã Văn Cao, toàn thôn có khoảng 500 em nhỏ trong độ tuổi đến trường, nhưng chỉ có khoảng 1/3 số đó học hết lớp 5. Phân hiệu của Trường Tiểu học Cư Pui 2 đóng tại thôn có 7 lớp, 166 học sinh, nhưng chỉ có 3 phòng học tạm nên phải học hai ca. Phòng học dựng bằng gỗ, lợp tôn tuềnh toàng, 4 bề trống huơ trống hoác, 10 bộ bàn ghế tạm bợ. Vào mùa mưa, nước tạt khắp phòng, cô trò đành phải nghỉ học. Có em nhà ở cách trường 6 – 7 km phải đi bộ đến trường, những khi mưa nước suối dâng cao, đường ngập bùn không thể đi học. Lớp 3 do cô Chu Thị Phương Nhung chủ nhiệm có 31 học sinh, do đang mùa thu hoạch bắp nên vắng gần chục em. Trong phòng học chừng 15 m2 sơ sài, không có ánh điện, các cô trò vội vàng đọc xong bài “Thư gửi ông bà” để nghỉ sớm tránh cơn mưa chiều.

Cô Chu Thị Phương Nhung và học trò trên lớp.
Cô Chu Thị Phương Nhung và học trò trên lớp.
Cô Phương cho biết, hầu hết các em ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ở cách xa trung tâm xã nên học hết lớp 5 đều phải nghỉ. Bên cạnh phòng học là nhà ở của giáo viên, thưng bằng ván, lợp tôn fibro xi măng, đủ kê 3 chiếc giường cho 5 cô giáo. Vì không có chợ nên các cô phải dự trữ thức ăn cả tuần, mùa mưa không thể ra ngoài, lương thực thực phẩm hết phải xin rau của người dân ăn tạm. Cô Trịnh Thị Phương tâm sự, dù công tác xa nhà, cuộc sống nhiều khó khăn nhưng bằng lòng yêu nghề và tâm huyết với học sinh, các cô luôn động viên nhau dạy tốt mong bù đắp phần nào những thiệt thòi cho các em.

Cả thôn Ea Rớt chỉ có 8 em học THCS, một vài em học hết THCS, THPT, muốn học cấp  phải ra trung tâm xã ở trọ. Ông Lò Khải Phù, Trưởng thôn cho biết, niềm mong mỏi lớn nhất của người dân trong thôn là có một ngôi trường kiên cố và một con đường để các em nhỏ đi học thuận lợi.

 

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc