Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về đạo lý thầy trò xưa và nay

09:46, 25/11/2010

Không phải ngành nghề nào cũng vinh dự có một ngày lễ kỷ niệm để tôn vinh, nhắc nhở người đang đảm nhiệm công việc đó về trách nhiệm, bổn phận mà mình đang thực hiện. Riêng đối với nghề giáo, ngoài ý nghĩa trên, ngày 20-11 còn có ý nghĩa đặc biệt, đó là ngày để các thế hệ học trò, những người đã và đang học tập thể hiện đạo lý đối với những người thầy đã từng dạy dỗ mình.

Thuở nhỏ, cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại được cha mẹ nhắc nhở: “Mùng 1, mùng 2 cho đi chơi thoải mái, nhưng mùng 3 thì phải đến chúc Tết thầy cô đó!”. Đến ngày mùng 3, chỉ mới sáng sớm tinh mơ, bọn học trò chúng tôi lại háo hức diện bộ cánh đẹp nhất, tập trung tại trường, hoặc đèo nhau trên những chiếc xe đạp, hay cuốc bộ để đến thăm thầy cô. Trong câu chuyện ấm tình thầy trò, mỗi học sinh chúng tôi luôn được thầy cô chỉ rõ những ưu, khuyết điểm của từng đứa và ân cần dặn dò, động viên cố gắng hơn nữa. Trong nhận thức vốn non nớt lúc ấy, tôi không thể lý giải vì sao khi mỗi lần chào thầy cô ra về, thay cho giọng vui vẻ, ấm áp ban đầu là những lời dặn dò mang nặng tâm tư: “Thầy cô không mong muốn gì hơn, chỉ mong các em học hành cho tốt để sau này nên người, thành người có ích cho gia đình, xã hội”. Lên học THCS, rồi THPT chúng tôi vẫn giữ thói quen tổ chức thăm thầy cô vào những ngày lễ, tết và đặc biệt là ngày 20-11 mà quà tặng thầy cô chỉ là một bông hoa. Càng trưởng thành, chúng tôi càng nhận ra được cái ẩn ý đằng sau câu nói của thầy cô ngày trước. Lòng kính trọng, yêu mến thầy cô trong mỗi chúng tôi được nhân thêm lên bởi qua thái độ, nhân cách của thầy cô mà mình được tiếp xúc, học tập. Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt nhân từ của một thầy giáo dạy môn Toán vốn nổi tiếng hết lòng vì học sinh. Ngày ấy, ở vùng ven nghèo như nơi tôi, thì học thêm là một “khái niệm” quá xa vời, bởi theo cách học thêm như ngày nay thì đã học ngoài giờ phải đóng tiền cho thầy. Thế nhưng, trong cái thời buổi khó khăn, thiếu thốn ấy thầy vẫn dạy mà không yêu cầu học sinh đóng tiền học thêm. Thậm chí, đối với những học sinh học yếu môn Toán, thầy phải đến từng nhà vận động đi học để thầy bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Cũng từng có nhiều học sinh hiếu động, cá biệt, quậy phá bị thầy la rầy, thậm chí là bắt xòe bàn tay ra để đánh. Nhưng sau đó bao giờ cũng vậy, thầy cũng gọi ra gặp riêng như để “làm hòa”, để phân trần bằng giọng điệu chan chứa yêu thương: “Thầy chỉ muốn các em nên người”. Không một đứa nào trong đám học sinh bị đánh ngày ấy lại có ác cảm với thầy, ngược lại trở nên chăm ngoan, phấn đấu hơn trong học tập. Để rồi khi trưởng thành, mỗi người dù ở cương vị nào đi nữa, mỗi khi có dịp là ghé thăm, thầy trò cùng ôn lại chuyện xưa cũ. Bây giờ, tôi mới cảm nhận được một quan niệm sâu sắc mà cha ông ta dùng để nói về đạo lý thầy trò qua câu nói của người xưa: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nó nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ, phải thể hiện lòng biết ơn, giữ thái độ kính trọng đối với những người đã từng dạy dỗ, dìu dắt mình. Đây chính là quan niệm của cha ông về đạo lý thầy trò, thể hiện truyền thống qua câu ca dao: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Song ngày nay, truyền thống ấy đang đứng trước nguy cơ bị mai một, xói mòn. Những câu chuyện đau lòng về tình trạng vi phạm đạo đức thầy trò ngày càng xuất hiện nhiều ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Liên tiếp những vụ việc hành hung, đe dọa, xúc phạm thầy cô giáo xảy ra đã kéo theo sự quan tâm của không chỉ ngành giáo dục mà còn của cả xã hội, bởi đây không đơn thuần là hành vi xúc phạm đến thân thể người khác mà còn là vấn đề đạo đức học sinh. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều diễn đàn được tổ chức để phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nhiều luồng ý kiến được đưa ra để biện minh cho những hành vi bộc phát của học sinh, song tất cả đều đi đến kết luận dù cho nguyên nhân có xuất phát từ phía thầy cô giáo đi chăng nữa thì học sinh cũng không thể xử sự bằng thái độ, hành vi bất kính. Thái độ ấy không thể tồn tại trong môi trường sư phạm. Tôi trộm nghĩ những vụ việc đau lòng trên, những vụ vi phạm đạo đức “tôn sư” trên có một phần nguyên nhân từ việc học sinh (và cả phụ huynh) thời nay quá lạm dụng quyền được pháp luật bảo vệ. Họ mặc nhiên cho rằng giáo viên không thể đối xử, xâm phạm đến thân thể, danh dự mình dưới bất cứ hình thức nào. Vì thế chỉ cần một hành động sai phạm trong quá trình giảng dạy đều có thể bị sự phản ứng thái quá của gia đình. Hệ quả là thầy cô đó bị kỷ luật dưới nhiều hình thức. Điều đó có thể khiến họ thỏa mãn, nhưng có một điều họ không nghĩ rằng, nguyên nhân sâu xa có thể xuất phát từ phía học sinh, bởi thái độ quá vô lễ, xấc xược đối với người đang trực tiếp giảng dạy mình. Giáo viên thời nay vốn đã chịu quá nhiều áp lực, áp lực từ phía nhà trường, từ phía phụ huynh, từ phía gia đình, khiến đôi khi giáo viên có những ứng xử không phù hợp của một người đang làm công tác giảng dạy. Song hãy thông cảm cho các thầy cô. Hãy nhớ rằng, qua những phút nóng giận đó, những người thầy vẫn dốc toàn tâm, toàn ý cho công việc “trồng người” hết sức cao quý, vẫn âm thầm, lặng lẽ hết mình với công việc dạy dỗ, góp phần đào tạo nên bao thế hệ học sinh tài năng, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. “Tiên học lễ, hậu học văn”, lời giáo huấn ấy vẫn luôn hiện diện ở vị trí trang trọng ở các lớp học ngay từ bậc học nhỏ nhất để nhắc nhở tất cả chúng ta về điều đó.

 

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc