Multimedia Đọc Báo in

“Trường thầy Cầu”

00:18, 27/11/2010

36 năm cống hiến trong ngành Giáo dục, từ giáo viên rồi làm quản lý ở các trường, thầy Lê Văn Cầu, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Krông Buk, huyện Krông Pak) được gắn liền với cái tên “trường thầy Cầu”.

Thầy Lê Văn Cầu
Thầy Lê Văn Cầu
Năm 1990, từ Quảng Nam, thầy Lê Văn Cầu chuyển về công tác tại Dak Lak, rồi vì nhiệm vụ gây dựng cơ sở giáo dục cần những hạt nhân nên thầy được tổ chức phân công lần lượt đến nhận công tác tại 10 trường trên địa bàn 4 xã của 2 huyện Ea Kar và Krông Pak. Những ngày đầu nhọc nhằn gieo chữ đầy rẫy khó khăn, gian khổ, thầy nhớ mãi, khi mới được chuyển về Trường Phổ thông cơ sở Tô Hiệu (xã Ea Kly, huyện Ea Kar), lúc đó chỉ có 4 phòng học, nhà vách đất, ọp ẹp, bàn, ghế phần nhiều do dân tự đóng rồi mang đến, góp lại thành lớp học. Phòng làm việc của Ban Giám hiệu chỉ có chiếc tủ gỗ cũ mục nên toàn bộ hồ sơ, học bạ của học sinh đựng trong đó đều bị mối mọt, rách tươm. Ngay ngày đầu nhận nhiệm vụ, thầy đã cùng các giáo viên trong trường phải ngồi chong đèn, miệt mài thức thâu 5 đêm liền để kiểm kê, làm lại sổ sách. Mỗi ngày, thầy đạp xe hơn 20 km đường, lội bộ qua những cánh rừng ướt đẫm sương đêm để đem con chữ đến với  học trò DTTS. Mặc dù đời sống hết sức khó khăn nhưng hầu hết học sinh ở đây (có đến 50% là đồng bào DTTS các tỉnh phía bắc: Tày, Nùng…) đều chịu khó, ngoan và ham học. Thương các em nhiều bữa phải để bụng đói đến trường hoặc chỉ ngồi nhìn, chăm chú nghe giảng chứ không có được quyển vở, cây bút để ghi bài. Thế là thầy lại đạp xe đi vận động từng nhà dân xin từng ký gạo, cây bút, bộ quần áo cũ cho các em. Khó có thể tả xiết niềm cảm thương xen lẫn hạnh phúc khi 13 em học sinh nghèo đứng trước mặt thầy rưng rưng nước mắt vì nhờ thầy đã xin cho mỗi đứa được 10 kg gạo, bộ quần áo cũ để mặc đến lớp mà không phải bỏ học giữa chừng. Thầy xúc động nói: “Vật chất tuy không nhiều nhưng biết đâu đó lại là cánh cửa mở ra tương lai với những đứa học trò nghèo…”. Ngoài thời gian làm công tác quản lý, thầy còn học thêm ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ của các em), tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của đồng bào, từ đó vận động phụ huynh cho con em đến trường.

Hơn 30 năm trong công tác “trồng người”, điều làm thầy tâm huyết nhất là đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để vận động xây dựng Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Krông Buk, huyện Krông Pak). Trước thực tế, học sinh DTTS thuộc các thôn 15, 18, và Đồi Đá hằng ngày phải vượt suối, đi băng qua Quốc lộ 26 hơn 3 km vừa xa lại vừa nguy hiểm để đến trường, năm 2005, thầy đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập một trường tiểu học trên địa bàn xã. Vấn đề khó khăn là làm sao có đất để xây trường. May sao, được Công ty Cà phê Phước Sơn nhường lại hơn 6.000 m2 đất với giá 70 triệu đồng để xây dựng trường, thế là thầy lặn lội đi “gõ cửa” các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn, huy động nhân dân góp công, góp của, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để có tiền mua đất. 5 năm không quản công, quản sức, thầy vẫn kiên nhẫn, tiếp tục đi vận động đóng góp, đầu năm 2010, ngôi trường Tiểu học Phạm Văn Đồng được xây khang trang, sạch đẹp với 6 phòng học, 2 phòng chức năng, khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ cho các em học sinh vui chơi. Cũng từ đó, mọi người thường hay nhắc đến trường với cái tên “trường thầy Cầu”. Nhờ tấm lòng của thầy, đường đến trường của các em học sinh DTTS nơi đây không còn xa và đỡ nguy hiểm hơn. Không chỉ có vậy, thầy Cầu còn là người tích cực trong công tác khuyến học. Hằng năm, thầy đi vận động các mạnh thường quân, các công ty, hỗ trợ  phần thưởng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi của trường.

Kinh nghiệm 36 năm tuổi nghề, 28 năm làm công tác quản lý, thầy Cầu, lúc nào cũng cố gắng mang chữ đến với các em học sinh bằng một trái tim yêu thương và nghị lực vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc