Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở về một ngôi trường

08:18, 10/12/2010

Trung bình mỗi năm xã Krông Nô (huyện Lak) có khoảng 70 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS nhưng lại chưa đến 10 em  tốt nghiệp THPT. Thậm chí, nhiều học sinh đang học lớp 7, lớp 8 nghỉ học ở nhà lấy chồng do không xác định được động cơ học tập.

Cô Bùi Thị Trí Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Nô) dẫn chứng, năm học 2008 - 2009, cả xã chỉ có 6 HS tốt nghiệp THPT và năm học 2009 - 2010, chưa đến 15 em tốt nghiệp. Từ đó có thể thấy, tỷ lệ HS khi tốt nghiệp THCS của xã theo học THPT rất ít. Nguyên nhân, trường THPT cách xa trung tâm xã hơn 40 km, đời sống người dân, nơi đây quá khó khăn không đủ điều kiện cho con theo học. Phụ huynh gần như khoán trắng việc học cho nhà trường, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận động học sinh đi học, nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng của trường luôn xấp xỉ 3%, cá biệt có năm lên đến 7,5%.

Năm học 2010 - 2011, Trường THCS Trần Hưng Đạo có 404 HS, trong đó, hơn 70% HS dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc M’nông) và đến thời điểm này đã có 3 HS nghỉ học. Trong đó, 1 HS nghỉ học ở nhà lấy chồng, 2 em làm rẫy phụ giúp gia đình. Cô Phan Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường  THCS Trần Hưng Đạo buồn bã nói, phụ huynh biết các em nghỉ học, nhưng đều đồng tình. “Học tiếp một, hai năm nữa rồi cũng phải nghỉ học, tiền đâu mà cho nó ra trung tâm huyện học THPT hay đi học nghề” là câu trả lời phổ biến từ phụ huynh khi giáo viên đến nhà vận động các em trở lại lớp. Cách đây hơn một tuần, cô Hương cùng với giáo viên chủ nhiệm học sinh lớp 8B đến nhà H’Mỹ Buôn Jrang (ở buôn Yông Hắt) động viên em đi học sau khi đã nghỉ học 3 ngày. H’Mỹ đã đi học trở lại, nhưng chỉ được vài hôm lại nghỉ học tiếp. Các thầy cô giáo, Ban tự quản buôn tiếp tục đến nhà động viên em đi học, thì được biết em đã về nhà chồng hơn một tuần trước. 

Hệ thống trường lớp từ bậc mầm non đến THCS ở xã Krông Nô (huyện Lak) đã được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Hệ thống trường lớp từ bậc mầm non đến THCS ở xã Krông Nô (huyện Lak) đã được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

H’Mỹ không phải là trường hợp cá biệt, cách đây 2 năm, con gái đầu của ông M’Bri Ja, (buôn Phi Dih Ja A) đang học lớp 10 Trường THPT Lak cũng bỏ học ở nhà lấy chồng. Hiện tại đã trở thành mẹ của 2 đứa con khi chưa đầy 20 tuổi. Ông M’Bri nói, nếu có 100.000 đồng, ba, bốn  người ở nhà có thể sống đủ trong 1 tháng, nhưng lại không đủ cho một đứa con đi học ở huyện, đành chấp nhận cho nghỉ học. Ông M’Bri rất lo lắng cho 2 đứa con đang học lớp 8 và lớp 6 sẽ đi theo con đường của chị nếu như không có trường THPT tại xã. 

Lập gia đình là con đường duy nhất của HS xã Krông Nô sau khi nghỉ học. Thật đau lòng khi nhiều HS rất ngoan hiền, học khá, nhưng chỉ một hoặc hai năm sau khi nghỉ học đã trở thành bố, mẹ khi chưa đến tuổi thành niên. Ngay bản thân các thầy cô giáo cũng rất lúng túng không biết định hướng nghề nghiệp cho HS như thế nào sau khi tốt nghiệp THCS. Bản thân các thầy cô giáo không có hướng mở cho học sinh trong việc định hướng nghề nghiệp, bởi kinh tế của gia đình học sinh quá khó khăn. Chính vì không giúp các em định hướng được nghề nghiệp, nên học sinh cũng không xác định được động cơ phấn đấu trong học tập, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học. Ông Y Krang N’Du, Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết, mở lớp nhô THPT không chỉ là nguyện vọng của học sinh, phụ huynh mà cả chính quyền địa phương. Số học sinh học THPT ít, đồng nghĩa với thiếu hụt nguồn nhân lực tại chỗ.

Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD - ĐT cho biết, trước đây, bậc THPT ở các xã phía Nam (Krông Nô, Nam Ka và Ea R’Bin, huyện Lak) phát triển rất hạn chế, không thể thành lập trường THPT. Nhưng hiện nay, mỗi xã có khoảng 70 HS tốt nghiệp THCS đủ điều kiện thành lập lớp nhô THPT tại trường THCS. Sở cũng vừa có văn bản yêu cầu Phòng GD - ĐT huyện Lak rà soát số lượng HS, tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án phát triển trường, lớp nhô tại các xã trên, tạo điều kiện thuận lợi cho HS học tập trong năm học tới.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.