Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó của một ngôi trường

10:39, 25/01/2011

Nằm cheo leo trên lưng đèo Phượng Hoàng (M’Drak), hơn 350 học sinh Trường THCS Phan Bội Châu đang gồng mình, nỗ lực vượt qua muôn vàn vất vả, thiếu thốn để bám trường, bám lớp, chắt chiu thu lượm cho mình từng con chữ. Các em cần lắm những tấm lòng nhân ái hỗ trợ, đồng hành giúp  vợi bớt những khó khăn trong cuộc sống để học tập tốt hơn.

Không đồng phục, áo mũ xênh xang như các trường học khác, thậm chí trong cái lạnh như cắt cuối Đông vẫn có những em co ro, lập cập trong manh áo mỏng tanh tới lớp. Hơn 350 học sinh ở ngôi trường THCS Phan Bội Châu nằm cheo leo trên lưng đèo Phượng Hoàng thuộc 2 xã Ea Trang và Cư San (M’Drak) đều là những hoàn cảnh vượt khó thật đáng thương, đáng quý. Thầy giáo Đoàn Văn Phòng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hầu hết học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và các tỉnh phía bắc di cư vào sống bằng các nghề lấy đót, trồng rừng và làm nương rẫy rải rác quanh đèo Phượng Hoàng; nhưng do đất đai cằn cỗi nên hoa màu năng suất thấp lại thêm hủ tục, đông con vì thế  gia đình nào cũng khó khăn về kinh tế. Nghèo khó, cộng với đặc thù dân cư thưa thớt, sống rải rác, địa hình đồi núi, đèo vực hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có em cách trường 50 km đường đèo nên việc học là cả một thách thức lớn đối với các em và gia đình. Nhưng điều đáng ghi nhận là các em rất ham học, vượt qua mọi khó khăn, chịu đói, chịu rét, khổ cực đủ bề để học. Trước đây, ở những vùng đất trống xung quanh trường đều san sát lều bạt các em dựng lên rồi mang khoai sắn, gạo nước đến tự nấu ăn để ở lại học. Trước tình cảnh đó, từ đầu năm học 2009-2010 trường đã được Nhà nước xây cho một dãy nhà nội trú tiếp nhận 120 học sinh thuộc diện nghèo, nhà ở cách trường trên 15km. Nhưng, vẫn còn trên 100 em nhà cách trường dưới 15 km chưa có chỗ ở, vậy là dãy nhà dành cho giáo viên cũng được các thầy cô giáo nhường lại cho số học sinh này. Thế nên, từ chỗ nhà trường chỉ lo cầm cự sĩ số, khuyến khích, động viên học sinh đến lớp (trước đây tỷ lệ học sinh bỏ học là 7%/ năm) thì nay các em đã yên tâm học (tỷ lệ bỏ học chỉ còn dưới 2%) và đã có nhiều học sinh đạt kết quả học tập khá, giỏi, đặc biệt, lần đầu tiên trường có một học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện.

Những học sinh vượt khó được nhận học bổng của Prudential Dak Lak.
Những học sinh vượt khó được nhận học bổng của Prudential Dak Lak.

Tuy vậy, các em vẫn chồng chất mối lo toan, khó khăn. Với những học sinh đủ tiêu chuẩn ở nội trú thì mỗi tháng  chỉ được hỗ trợ 230.000 đồng, các em phải nộp thêm 130.000 đồng nữa mới bảo đảm suất ăn tập thể. Ấy vậy nhưng có nhiều em không có tiền nộp, về nhà ba mẹ cho ít khoai, sắn, ngô, đậu hay gạo mang lên đóng góp, nhà trường đều chấp nhận hết. Em Giàng Thị Minh, dân tộc Mông, học sinh lớp 8B, nhà ở thôn 7, xã Cư San, cách trường gần 40km tâm sự: “Từ khi có nhà nội trú chúng em yên tâm học hơn, nhưng thương bố mẹ vì học xa không đỡ đần được việc nhà còn xin tiền ăn mỗi tháng nữa…”. Với những em không được ở nội trú còn khó khăn hơn. Em Triệu Thị Nảy, người dân tộc Dao, học lớp 6B, nhà xa lại đông anh em nên mỗi tháng gia đình chỉ cho hơn 10 kg gạo và 30.000 đồng để mua rau… Đều có hoàn cảnh khó khăn và xa nhà nên các em coi nhau như anh chị em, chia sẻ, giúp đỡ trong sinh hoạt để cùng học tập tốt.  Với những em học sinh người dân tộc tại chỗ không phải xa nhà nhưng lại gặp khó khăn kiểu khác. Em H’Nang Byă, học sinh lớp 8B, nhà ở buôn Lấp (xã Ea Trang). Hằng ngày, H’Nang phải dậy từ 4 giờ sáng cuốc bộ qua 7km đường đèo dốc, để đến lớp, phần thì không có xe đạp, phần vì đường đèo nguy hiểm… Trong đợt mưa lũ kéo dài vào tháng 11-2010 vừa qua, nhiều gia đình trong số các em sống ở những vùng trũng, thung lũng đã bị thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu nên đã tác động trực tiếp đến cuộc sống, học tập của các em, vì thế khó khăn lại thêm chồng chất…

Biết được những thông tin trên và mong muốn chia sẻ một phần khó khăn của các em, ngay ngày đầu năm mới 2011, Đại diện Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential tại Dak Lak đã tới thăm và tặng 40 suất quà (mỗi suất 200.000 đồng) cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt được thành tích khá trong học tập… Với các em học sinh ở Trường THCS Phan Bội Châu thì món quà thiết thực trong dịp năm mới này thật có ý nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn vất vả, mong rằng sẽ có thêm nhiều những “mạnh thường quân”, cơ quan, doanh nghiệp quan tâm và giúp đỡ để các em có thêm điều kiện học tập đạt kết quả tốt hơn…

 

Minh Quân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.