Nơi tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số
So với nhiều tỉnh miền núi, nơi đào tạo dành cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) của Dak Lak được đầu tư đồng bộ, khang trang. Học tập dưới những mái trường này, các em không chỉ được chăm lo, bồi dưỡng về văn hóa, thể chất, mà còn được trang bị những kỹ năng cần thiết để trở thành những cán bộ trong tương lai.
Trường PTDT nội trú: “Mái nhà chung” của học sinh DTTS
Hệ thống các trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) có vị trí quan trọng trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là kết quả của chính sách ưu việt mà Đảng và Nhà nước dành cho miền núi nói chung và giáo dục vùng dân tộc nói riêng. Riêng đối với tỉnh ta, hệ thống các trường PTDTNT đã phủ kín 13 huyện, thị xã, thành phố với 14 trường (riêng huyện Cư Kuin và Krông Buk mới chia tách chưa xây dựng trường), trung bình mỗi năm có trên 2.700 học sinh (HS) theo học. Đáng phấn khởi, tất cả các DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh đều có con em học tại các trường PTDTNT.
Thầy Nguyễn Văn Tuyển, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện M’Drak cho biết: “Là địa phương khó khăn của tỉnh, nhưng huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng trường chuyên biệt khang trang, gồm 10 phòng học, phòng bộ môn, phòng thực hành; nhà ăn bảo đảm vệ sinh và 20 phòng ở nội trú đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của 153 HS các DTTS Êđê, Tày, Nùng, Dao, Thổ, Thái, Mường… Năm 2008, nhà trường đã kết nối Internet giúp giáo viên, HS tiếp cận với nguồn tài liệu mở phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, trường tổ chức HS thành từng nhóm, tăng cường công tác phụ đạo 2 buổi/ngày, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS”. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, nhà trường đã duy trì sĩ số học sinh hằng năm trên 97%, tỷ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi tăng đáng kể. Năm học 2009 - 2010, trường có 38% HS xếp loại học lực khá, giỏi trong đó có 7 em đạt danh hiệu HS giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Em H’Plu Niê lớp 9, bày tỏ: “Em rất vui khi được học trong ngôi trường này, các thầy cô luôn chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ và giúp chúng em tiến bộ trong học tập. Em mong có nhiều bạn nhỏ ở buôn cũng được đi học dưới ngôi trường này”.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện M’Drak luôn quan tâm giáo dục thể chất cho học sinh. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng là ngôi trường đầu tiên dành cho con em đồng bào DTTS của tỉnh. Dưới mái trường mang tên người M’nông Anh hùng Nơ Trang Lơng đã có gần 3.000 học sinh DTTS được đào tạo, trong đó nhiều HS đã trưởng thành làm cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý ở các cấp xã, huyện, đại biểu Quốc hội. Thầy Hoàng Nghĩa Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không như các trường THPT khác, nhà trường thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ nuôi dưỡng và giáo dục, do đó yêu cầu đặt ra đối với giáo viên cũng đặc biệt hơn. Thầy cô giáo không chỉ cung cấp kiến thức mà còn như là người bố, mẹ, anh, chị sẵn sàng động viên, chia sẻ những khó khăn trong học tập, sinh hoạt với HS. Em Dư Hậu Ktul, học sinh lớp 12 xúc động nói: “Lần đầu tiên xa gia đình, ở nội trú với các bạn thuộc nhiều dân tộc khác nhau, chúng em rất bỡ ngỡ. Chưa kể những khác biệt về văn hóa, giờ giấc sinh hoạt, ăn uống đã làm không ít bạn bị “sốc”, nhưng cảm giác ấy nhanh chóng qua đi bởi sự quan tâm, gần gũi, động viên kịp thời của các thầy cô giáo. Giờ đây, mỗi khi về nghỉ tết hay thăm nhà dù chỉ một vài ngày thấy nhớ các bạn, nhớ thầy cô, trường lớp”.
Là trường chuyên biệt, quản lý 100% thời gian của HS, trong những năm qua nhà trường đã nỗ lực xây dựng môi trường học tập thân thiện, tổ chức nhiều phong trào hoạt động tập thể để HS học tập, rèn luyện. Thay vì làm giúp, giáo viên chỉ gợi ý, hướng dẫn HS tự tổ chức sinh hoạt nhóm, sinh hoạt lớp, chào cờ, chương trình văn nghệ… Chính sự trải nghiệm này đã giúp các em rèn luyện đạo đức, sức khỏe, tác phong, kiến thức văn hóa, năng lực tư duy, kỹ năng sống - những tố chất cần thiết của người cán bộ trong tương lai.
Không những thế, để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển chọn học sinh DTTS của các huyện, thị xã, thành phố đào tạo thành người có trình độ văn hóa, nhân cách toàn diện, Ban Giám hiệu, giáo viên luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt, trong 2 năm 2009 - 2010, nhà trường đã có nhiều cải tiến trong công tác quản lý giờ tự học của HS, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS dân tộc cũng như các chuyên đề về giáo dục đặc thù. Vì vậy chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn giữ ở mức 90 - 94%, hằng năm đều có HS giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Đặc biệt, có trên 45% HS tốt nghiệp đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng "mái nhà chung" của học sinh dân tộc thiểu số. (Ảnh: Nguyên Hoa) |
Khoa Dự bị Trường Đại học Tây Nguyên: “Chắp cánh” cho học sinh vào giảng đường đại học
Cùng với Trường Đại học dự bị Trung ương Nha Trang, mỗi năm Khoa Dự bị và tạo nguồn Trường Đại học Tây Nguyên được Bộ Giáo dục - Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo từ 130 - 180 học sinh DTTS trong cả nước. Trong đó, hơn 50% là học sinh của tỉnh Dak Lak. Theo Thạc sĩ Lê Thế Đệ, Trưởng Khoa dự bị và tạo nguồn thì, số học sinh này đã nâng tỷ lệ sinh viên DTTS đang học tại trường tăng theo hằng năm. Nếu như những năm trước, tỷ lệ học sinh DTTS của trường chỉ dừng lại ở 15% thì năm học 2009 - 2010, với 131 học sinh DTTS của 2 hệ dự bị và cử tuyển đủ điều kiện lên đại học đã nâng con số này lên 24% trong tổng số 10.000 sinh viên chính quy đang theo học tại trường. Rõ ràng, sự ra đời của hệ dự bị và cử tuyển đã giúp học sinh DTTS có thêm cơ hội bước chân vào giảng đường đại học thực hiện ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ.
Trong thời gian 1 năm học dự bị, cử tuyển tại khoa, các em sẽ được bồi dưỡng kiến thức văn hóa ở 3 khối A, B, C. Trên cơ sở kết quả học tập, rèn luyện, những em đủ điều kiện sẽ được học lên đại học, ở những chuyên ngành mà mình đã thi đại học năm học trước nhưng không đỗ. Em Hoàng Phi Yến A Drơng, dân tộc Êđê (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), lớp dự bị K10 hồ hởi nói, cứ nghĩ cánh cổng giảng đường đã khép lại với số điểm thi vào ngành quản trị, khoa kinh tế thấp hơn điểm sàn. Nhưng sau đó không lâu, nhận được giấy báo gọi nhập học hệ dự bị đã mở ra cho em nhiều hy vọng. Chỉ vài tháng nữa thôi, với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô giáo, sự nỗ lực của bản thân em sẽ trở thành sinh viên ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Còn học sinh Phạm Đức Việt, dân tộc Tày (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) trình bày, thật sự với sức học của em sẽ rất khó có thể đỗ vào trường đại học. Một năm bổ trợ kiến thức văn hóa ở hệ dự bị đại học giúp em vững vàng, tự tin cho quá trình học tiếp theo. Đây là con đường duy nhất để em trở thành kỹ sư nông nghiệp giúp bà con, buôn làng trong tương lai.
Thạc sĩ Lê Thế Đệ cho biết, đã có hàng ngàn sinh viên DTTS trở thành bác sĩ, kỹ sư nông lâm nghiệp, cử nhân công nghệ thông tin trưởng thành từ hệ đào tạo dự bị và cử tuyển. Trong đó, nhiều em phát huy tốt những kiến thức đã được học tại trường, đóng góp một phần công sức của mình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương.
Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Dak Lak: Nơi đào tạo giáo viên mầm non cho các tỉnh Tây Nguyên
Với chức năng, nhiệm vụ: “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV) nhà trẻ, mẫu giáo trên và nghiên cứu giáo dục mầm non”, sau 33 năm hình thành và phát triển, Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Dak Lak đã đào tạo trên 7.300 GV có trình độ sơ, trung cấp và bồi dưỡng từ trình độ sơ cấp lên trình độ trung cấp cho trên 2.300 GV mầm non, trong đó, GV người dân tộc thiểu số (DTTS) M’nông, Êđê, Lào, Gia Rai, Xê Đăng… chiếm khoảng 60 - 70%. Đơn cử năm học 2010 - 2011, trong số 400 học sinh được tuyển mới có 277 em DTTS. Đặc biệt, từ năm học 2009 - 2010, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xóa thôn, buôn đồng bào DTTS trắng lớp mầm non, mỗi năm nhà trường đã đào tạo cử tuyển khoảng 40 học sinh DTTS. Cùng với đó, từ năm 2006, nhà trường đã mở rộng quy mô và đa dạng hóa hình thức đào tạo thông qua việc liên kết với nhiều trường cao đẳng, đại học uy tín trong cả nước đào tạo GV mầm non trình độ đại học tại chức, trong đó GV dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20 - 35%.
Nếu như những ngày đầu thành lập, Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non chỉ có 8 GV dạy nghiệp vụ sư phạm mẫu giáo, đến nay đã nâng lên 55 cán bộ, GV, nhân viên, ngoài ra, còn có 8 GV thỉnh giảng. Hiện, trường có 4 thạc sĩ và 100% GV đạt chuẩn. Đi đôi với phát triển đội ngũ GV cả về số lượng, chất lượng, nhà trường còn đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy “Lấy người dạy, việc dạy làm trung tâm sang lấy người học, việc học làm trung tâm”. Hằng năm, trường đều tổ chức thiết kế chương trình chi tiết các môn học theo hướng tăng cường các hoạt động thực hành, thực tế, kết hợp lý thuyết với thực hành, chú trọng các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ chuyên môn, nghề nghiệp, thực tập sư phạm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Đến nay, trường đã cơ bản bảo đảm điều kiện thiết yếu của một trường trung cấp chuyên nghiệp, có khu nhà hiệu bộ và dãy phòng học 2 tầng, hội trường, phòng đa chức năng, thư viện, phòng Lab với 35 máy vi tính… Nhờ đó, chất lượng đào tạo không ngừng nâng lên. Năm 2006, trường có 1 GV đoạt giải Nhì trong kỳ thi GV dạy giỏi toàn quốc và nhiều GV đoạt giải trong các kỳ thi GV dạy giỏi cấp tỉnh. Riêng năm học 2009 - 2010, trường có 20 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm được nghiệm thu; trên 98% học sinh được công nhận tốt nghiệp.
Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non cho biết: “Mặc dù nhà trường đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành nhưng niềm vui, sự cổ vũ lớn nhất đối với tập thể cán bộ, giáo viên là đã góp phần đào tạo một số lượng lớn GV mầm non cho các tỉnh Tây Nguyên. Nhờ đào tạo theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, hầu hết học sinh ra trường đều có thao tác nghiệp vụ vững vàng và đáp ứng được các yêu cầu của một giáo viên mầm non đạt chuẩn”.
Ý kiến bạn đọc