Gỡ khó cho trung tâm học tập cộng đồng
Từ năm 2010, tỉnh ta đã tăng cường đầu tư ngân sách cho các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã, phường, thị trấn, với mức hỗ trợ từ 20 - 30 triệu đồng/trung tâm/năm tùy theo khu vực. Chủ trương này đã gỡ khó cho TTHTCĐ, tạo điều kiện để người dân có thêm cơ hội được học tập suốt đời.
Trung tâm học tập cộng đồng xã Ea Kuăng (huyện Krông Pak) nơi học tập của đông đảo người dân trên địa bàn. |
Cái khó ló cái khôn
Theo thống kê của ngành Giáo dục, hiện tại toàn tỉnh có 134/184 xã, phường, thị trấn thành lập TTHTCĐ. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các địa phương nhằm xây dựng xã hội học tập, đem đến cho người dân, đặc biệt những lao động không có điều kiện tới trường chính quy; những người nghèo, người thuộc các nhóm yếu thế trong xã hội có thêm cơ hội học tập. Không kinh phí, không phụ cấp kiêm nhiệm, nhưng nhiều TTHTCĐ đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động với nội dung phong phú, hữu ích với người dân: xóa mù chữ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ thuật chăm sóc cà phê, thâm canh lúa lai, trồng rau sạch, cây ăn quả, chiết ghép cây cảnh; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm..., thu hút trên 50 ngàn lượt người tham gia. Đặc biệt, một số trung tâm như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, Krông Pak, Krông Ana đã phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh và huyện tổ chức các lớp phổ biến kiến thức pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình, thôn, buôn, khu dân cư văn hóa, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng Nhân dân 3 cấp… đến với người dân sớm. Ông Tô Hồng Kiểm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kuăng (huyện Krông Pak) cho biết: “Giữa năm 2010, trên địa bàn xã xảy ra dịch heo tai xanh, gây tâm lý hoang mang cho nhân dân. Trước tình hình trên, Ban Giám đốc TTHTCĐ đã chủ động phối hợp tốt với Trạm thú y huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền cung cấp nhanh những kiến thức cần thiết về Hội chứng rối loạn sinh sản, hô hấp ở heo; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi cách thức tiêu độc, khử trùng đúng quy định; tiêu hủy toàn bộ số heo chết, không vì lợi ích cá nhân mà vội vàng “tẩu tán” heo trong vùng dịch sang địa phương khác. Nhờ những biện pháp kịp thời, tích cực trên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh người dân bớt hoang mang, dốc sức cùng với chính quyền địa phương xử lý dịch bệnh”.
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT kiểm tra cơ sở vật chất các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh. |
Xây dựng xã hội học tập
Cuối năm 2008, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 96 hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các TTHTCĐ, nhưng do vướng về cơ chế nên mỗi trung tâm trên địa bàn tỉnh phải tự xoay sở kinh phí hoạt động, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương sớm thành lập mô hình này cũng chỉ mới phát triển về mặt số lượng. Theo thống kê của ngành Giáo dục, trong tổng số 134 TTHTCĐ, chỉ khoảng 60% số trung tâm hoạt động có hiệu quả, số còn lại hoạt động trung bình, thậm chí cầm chừng do chưa có cơ sở vật chất, kinh phí hạn hẹp, thiếu quy chế hoạt động, bộ máy quản lý chưa bảo đảm.
Khó khăn của các TTHTCĐ đã được tháo gỡ khi ngành Giáo dục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31 ngày 22-10-2010 Quy định mức hỗ trợ kinh phí đối với TTHTCĐ và phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ quản lý. Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần cho các trung tâm mới thành lập là 30 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giảng dạy gồm: đồ dùng, sách giáo khoa tài liệu; hằng năm bổ sung kinh phí mua sắm từ 20-25 triệu đồng/năm/trung tâm đối với từng khu vực. Đồng thời quy định mức phụ cấp kiêm nhiệm cho Giám đốc Trung tâm là 0,4% mức lương tối thiểu và Phó Giám đốc là 0,3%. Ông Trần Kim Ngọc, Phó Giám đốc TTHTCĐ phường Tự An, một trong những trung tâm hoạt động có hiệu quả nhất trong toàn tỉnh phấn khởi nói: “Chủ động về kinh phí sẽ giúp các trung tâm hoạt động có hiệu quả hơn. Trước đây, có nhiều kế hoạch hoạt động, Ban Giám đốc trung tâm đã xây dựng từ nhiều tháng trước, không xin được nguồn tài trợ đành gác lại. Niềm vui như được nhân đôi, sau hơn 6 năm đảm nhiệm chức danh Phó Giám đốc TTHTCĐ, lần đầu tiên ông được nhận hỗ trợ 220.000 đồng/tháng. Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên để mỗi cán bộ quản lý thấy trách nhiệm của mình hơn với công việc mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Ông Phạm Trịnh, Phó trưởng Phòng giáo dục thường xuyên (Sở GD - ĐT) cho biết: “Vướng mắc lớn nhất của các TTHTCĐ đã được tháo gỡ, vấn đề bây giờ chính quyền địa phương cần coi TTHTCĐ là cơ sở giáo dục gần gũi, sát với nhu cầu thực tế và phù hợp với nhiều đối tượng trên địa bàn. Từ đó, củng cố, kiện toàn bộ máy gồm những người có năng lực, tâm huyết với công việc để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hằng quý, năm; đồng thời phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều tổ chức xã hội đưa việc học tập thành một phong trào tốt, thu hút sự quan tâm của mọi người.
Ý kiến bạn đọc