Multimedia Đọc Báo in

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý: Vượt qua thách thức, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên

09:57, 16/03/2011

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề đang là thách thức lớn đối với các tỉnh Tây Nguyên. Giải quyết bài toán nan giải này, ngoài sự năng động của mỗi địa phương rất cần có sự “ chia sẻ, chung tay” của các bộ, ngành Trung ương. Tại Hội nghị tổng kết tình hình phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT TRẦN QUANG QUÝ xung quanh vấn đề này.

° Thưa Thứ trưởng, tại Hội nghị lần này, Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên. Vậy, tồn tại nổi cộm nhất cần xử lý ở đây là gì?
Thời gian qua, với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên, cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các bộ, ngành Trung ương, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận rằng, khó khăn của giáo dục các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là trình độ của học sinh (HS) thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, thể hiện ở một số chỉ số: tỷ lệ huy động trẻ đi mẫu giáo đạt 71,5%,  tỷ lệ qua đào tạo nghề của Tây Nguyên chỉ mới đạt 23%; tỷ lệ đào tạo nghề trình độ TC, CĐ là 8,4%...Do đó, trong những năm tới cần phải tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho HS các tỉnh Tây Nguyên. Về phía Bộ GD-ĐT chỉ đạo quyết liệt đổi mới phương pháp dạy học phù hợp từng lứa tuổi, trình độ, giúp HS tiếp cận với giáo dục tốt hơn; tăng cường phân luồng đối với HS bậc THCS và THPT; đồng thời tăng cường đầu tư mở rộng quy mô, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề để các em học nghề. Điều này rất quan trọng, có thể các em do hạn chế về trình độ không thể vươn lên học CĐ, ĐH, nhưng nếu làm tốt công tác phân luồng, giúp HS nhanh chóng tiếp cận với dạy nghề, tin chắc cuộc sống của các em sau này sẽ ổn định hơn.

Khó khăn thứ hai mà giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đang phải đối mặt là cơ sở vật chất thiếu thốn. Tuy chúng ta đã được đầu tư khá nhiều, nhưng phải nói rằng các trường lớp hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu giáo dục (toàn vùng vẫn còn 103 các xã không có trường mầm non, 43 xã chưa có trường THCS). Trong khi đó, khoảng cách từ thôn, buôn, bản, làng  đến các điểm trường vẫn còn xa, do đó cũng cần phải có sự quan tâm của các cấp, bộ, ngành Trung ương bằng cách tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp tạo điều kiện thuận tiện cho HS đến trường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tăng cường mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường. Một khó khăn nữa là thiên tai thường xuyên xảy ra ở vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức hoạt động giáo dục. Trước tình hình đó, UBND các tỉnh cần linh động tổ chức hoạt động giáo dục, thời gian năm học phù hợp với từng địa phương; đồng thời tăng cường sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để HS có điều kiện học tập tốt hơn.

Giờ thực tập may áo sơ mi của học sinh lớp Trung cấp may 09, Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh: Gia Thịnh)
Giờ thực tập may áo sơ mi của học sinh lớp Trung cấp may 09, Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh: Gia Thịnh)

° Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn những giải pháp quan trọng cần tập trung triển khai trong thời gian tới để phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Theo tôi, quan trọng nhất chúng ta vẫn phải tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường ở Tây Nguyên. Cùng với đó, phải tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn, đặc biệt chú trọng đội ngũ giáo viên dân tộc thiểu số để các thầy cô giáo yên tâm bám lớp, bám trường; đồng thời  cũng cần phải quan tâm đến trình độ của HS,  bằng cách trang bị vốn tiếng Việt để các em học tập tốt hơn. Chúng tôi thấy rằng, ngay bây giờ chương trình giáo dục tiểu học không nhất  thiết phải 5 năm mà có thể là 6 năm để các em có thể tiếp cận, lĩnh hội được các kiến thức. Vấn đề này, các tỉnh Tây Nguyên cần  phải suy nghĩ làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. Ví dụ, bình thường chương trình của bậc TH là 5 năm, nhưng có thể vì vốn Tiếng Việt của HS chưa tốt, các em có thể học thêm một năm lớp 1 nữa. Chúng tôi cũng thấy rằng, trong 5 năm qua (2006-2010), tất cả các cấp, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là lực lượng biên phòng đã thực hiện 3 đủ cùng ngành Giáo dục “Đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở” giúp HS có điều kiện tới trường, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Vừa qua đã làm tốt, bây giờ cần tiếp tục phát huy để giúp HS yêu thầy, mến bạn và thấy mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

° Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tỉnh Dak Lak và Kon Tum đã xây dựng  mô hình giáo dục bán trú dân nuôi nhằm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ GD-ĐT đánh giá như thế nào về mô hình này?
Đối với mô hình bán trú dân nuôi theo chúng tôi hiện nay rất phù hợp, đã giúp HS ở các buôn làng có điều kiện tập trung học tập. Chúng ta biết rằng, đặc thù ở các tỉnh Tây Nguyên, các điểm dân cư cách nhau khá xa, đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa, cơ sở bán trú dân nuôi có thể giúp các em ăn ở tập trung, yên tâm học tập. Liên quan đến mô hình giáo dục này, Chính phủ cũng đã có Quyết định số 85 ngày 21-12-2010 quy định một số chính sách hỗ trợ HS bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, nhằm phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS. Từ thực tiễn cho thấy, mô hình giáo dục bán trú dân nuôi rất tốt, cần tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, hiện nay dân thì đông, địa bàn rộng, muốn phát triển tốt mô hình này cần thiết phải huy động sự chung tay của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp để cùng với Nhà nước xây dựng ngày càng nhiều các cơ sở bán trú dân nuôi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc