Multimedia Đọc Báo in

Ngành GD-ĐT huyện Krông Bông “Chạy theo” di dân tự do

17:44, 09/04/2011

Vấn nạn di dân tự do (DDTD) làm đảo lộn mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, trong đó có huyện Krông Bông. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn do phải “chạy theo” DDTD từ các tỉnh phía Bắc tiếp tục đổ vào…

Trường PTCS Cư Drăm, huyện Krông Bông vừa được xây dựng mới trong năm học 2009-2010 với 12 phòng chỉ đủ nhu cầu dạy và học. Còn các phòng chức năng (vi tính, thư viện, chuyên môn...) vẫn không còn nơi để bố trí.
Trường PTCS Cư Drăm, huyện Krông Bông vừa được xây dựng mới trong năm học 2009-2010 với 12 phòng chỉ đủ nhu cầu dạy và học. Còn các phòng chức năng (vi tính, thư viện, chuyên môn...) vẫn không còn nơi để bố trí.

Có khu dân cư thì phải dựng trường, mở lớp
Ba xã vùng căn cứ (gồm Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao) của huyện Krông Bông hiện là “điểm đến” của DDTD trong nhiều năm qua. Theo  thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, dân số của 3 xã trên đã xấp xỉ 30.000 người, tăng gấp đôi so với những năm 2000-2002. Trong đó Cư Pui và Cư Drăm, có số DDTD đến làm ăn, sinh sống nhiều nhất, khoảng hơn 6000 người, kéo theo đó nhu cầu học hành của con em họ không ngừng tăng lên, buộc ngành GD-ĐT huyện phải nỗ lực hết mình để dựng trường, mở lớp nhằm đáp ứng nhu cầu trên.

Thầy Lê Xuân Quý - Phó phòng GD-ĐT huyện cho biết, nhu cầu học hành của con em DDTD vào đây là chính đáng, vì thế phải tìm mọi cách để dựng trường, mở lớp cho các cháu học tập, nhưng do kinh phí quá eo hẹp, không thể nào xây dựng kịp. Ngành phải huy động mọi nguồn lực, kể cả mượn tạm phòng ốc của các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn để phục vụ cho việc dạy và học, nhưng vẫn không đáp ứng nổi. Các trường THCS Cư Pui 1 và 2 phải dựng lên hàng chục phòng học tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá để có chỗ cho các em học tạm. Thầy giáo Vũ Đình Tùng- Hiệu trưởng Trường PTCS Cư Pui 1 chia sẻ: Hiện, cơ sở này phải mở thêm 6 phân hiệu ở vùng sâu, xa để phấn đấu đạt mục tiêu không còn “điểm trắng giáo dục” trên địa bàn như ngành GD-ĐT đã đề ra. Nói là phân hiệu, chứ thật ra chỉ là những túp lều dựng tạm giữa rừng với vài chục bộ bàn ghế ghép vội  bằng cây rừng thô mộc. Tại những phân hiệu Ea Rớt, Ea Lang (xã Cư Pui), cách trung tâm xã nửa ngày đường đi bộ (xe máy không vào được khi mùa mưa đến) trông chẳng khác gì những lớp học thời chiến tranh, thầy Lê Hải - một trong những giáo viên bám trụ ở đây một thời - cho biết như vậy. Cái khổ nhất mà giáo viên ở đây tâm sự là thiếu ánh sáng khi đứng lớp vào mùa mưa, cộng với phòng học tối om, dột nát là tình trạng chung luôn day dứt thầy trò ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh này.

Còn tại những điểm trường chính, đứng chân ngay trung tâm các xã cũng đang trong tình trạng  khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Những cơ sở giáo dục này phải tận dụng mọi không gian để bố trí phòng học cho học sinh, vì thế ngoài phòng hiệu bộ ra, các trường này không còn nơi để mở thư viện và các phòng thực hành chuyên môn. Điều đáng quan tâm nhất là vấn đề ăn ở cho giáo viên, học sinh, theo phản ánh của các trường, giáo viên từ xa đến công tác hầu hết phải thuê, hoặc ở nhờ nhà dân; cón học sinh từ nơi xa đến (vùng Yang Hanh, Yang Mao…) thì mượn đất ở cất lều tạm để theo học. Vì vậy, nói như thầy Diệp Quốc Quang - giáo viên Trường PTCS Cư Drăm, làm sao có được cơ sở vật chất khả dĩ để đáp ứng cho việc dạy và học trên ba xã vùng căn cứ này là ước mơ cháy bỏng của nhiều người.

Học sinh là con em của đồng bào H'mông DDTD ở các vùng Yang Hanh, Yang Mao... phải tự dựng lều tạm bợ để ăn ở và theo học tại Trường PTCS Cư Drăm - Krông Bông.
Học sinh là con em của đồng bào H'mông DDTD ở các vùng Yang Hanh, Yang Mao... phải tự dựng lều tạm bợ để ăn ở và theo học tại Trường PTCS Cư Drăm - Krông Bông.

Cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn
Từ thực tế trên cho thấy, cơ sở vật chất trường lớp ở đây chưa thể đáp ứng nhu cầu dạy và học. Thầy Lê Xuân Quý cho hay, tổng số phòng học hiện có trên địa bàn Krông Bông là 653 phòng, trong đó kiên cố: 171 phòng (chiếm khoảng hơn 30%), bán kiên cố: 330 phòng, còn lại là phòng tạm bợ và mượn từ các cơ sở khác 152 phòng. Số phòng học tạm bợ này tập trung chủ yếu tại 3 xã Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao. Bên cạnh đó, phòng làm việc, phòng chức năng (như thư viện, vi tính, thí nghiệm, sinh hoạt truyền thống…)  vẫn chưa đạt so với yêu cầu. Toàn huyện có hơn 50 trường học các cấp, nhưng đến nay mới 13 trường có phòng thư viện, 8 trường có phòng vi tính, 3 trường có phòng thí nghiệm và chỉ mới có 2 trường (THCS Nguyễn Viết Xuân, PTDT Nội trú huyện) có phòng truyền thống và nhà đa chức năng.
Nhà nội trú cho giáo viên và các công trình phụ trợ khác vẫn chưa hết khó khăn, từ năm 2008, chương trình kiên cố cố hóa trường học giai đoạn 2 được triển khai, toàn huyện xây dựng được 2.600 m2 nhà công vụ (tương ứng với 39 phòng), con số này chỉ mới đáp ứng khoảng ¼ nhu cầu. Thầy Lê Xuân Quý cho biết thêm, từ năm 2007 đến nay, được sự đầu tư của UBND huyện, ngành GD-ĐT ở đây mới xây dựng được 17 công trình vệ sinh, nước sạch cho học sinh với kinh phí 1,7 tỷ đồng. Còn lại nhiều trường chưa có hạng mục này, hoặc có cũng chỉ là tạm bợ.

Thời gian tới, dự kiến toàn huyện sẽ xây mới khoảng 70 phòng học, 600m2 nhà ở công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng chức năng cho một số trường với tổng dự toán trên 32 tỷ đồng.  Song kinh phí để thực hiện mục tiêu này là hết sức nan giải đối với 1 huyện nghèo như Krông Bông. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương để sự nghiệp “trồng người” ở đây vượt qua những khó khăn do gánh nặng DDTD phát sinh trong nhiều năm qua, và xa hơn là để thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế- văn hóa, xã hội ở vùng đất căn cứ cách mạng năm xưa ngày càng ổn định và giàu mạnh hơn.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc