Nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập
Kể từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015, theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29 vừa được liên Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành, Nhà nước sẽ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên hệ chính quy đang học tập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông LÊ VĂN DẦN, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) tỉnh.
* Ông có thể cho biết những đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập?
- Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định rất rõ các đối tượng không phải đóng học phí, miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập gồm học sinh tiểu học; học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp.
9 đối tượng được miễn toàn bộ học phí gồm: Những người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại điều 78 của Bộ Luật Dân sự hoặc không đủ năng lực để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; Trẻ em có cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 nhưng đang đi học văn hóa, học nghề có hoàn cảnh khó khăn; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của nhà nước; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên); Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo.
Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại.
Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập bao gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước. Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này với mức 70.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng khác... Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học. Những trường hợp thuộc nhiều đối tượng khác nhau chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thành phố Buôn Ma Thuột tiếp nhận hồ sơ miễn, giảm, cấp bù học phí cho sinh viên hệ chính quy. |
* Vậy cách thức nhận tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập như thế nào thưa ông?
- Theo Thông tư liên tịch số 29, từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, tất cả sinh viên hệ chính quy ở các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục đại học công lập thuộc đối tượng miễn, giảm học phí phải đóng 100% học phí theo quy định của nhà trường và nhận tiền hỗ trợ học phí tại Phòng LĐ-TB&XH địa phương. Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh, sinh viên có con đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập (gọi tắt là nhà trường). Trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu học kỳ, học sinh, sinh viên phải làm đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí (theo mẫu) có xác nhận của nhà trường gửi Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ có liên quan (giấy xác nhận đối tượng chính sách có công, sổ đăng ký hộ khẩu thường trú, giấy chứng nhận hộ nghèo, giấy xác nhận ngành, nghề độc hại, bản sao sổ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng do Bảo hiểm xã hội cấp cho người bị tai nạn lao động...). Nhà trường có trách nhiệm xác nhận cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí vào đơn đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí (theo mẫu) trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc học kỳ đối với học sinh, sinh viên đang học (7 ngày kể từ khi nhập học, đối với những học sinh, sinh viên mới nhập học) để học sinh, sinh viên nộp về Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện làm căn cứ chi trả tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí. Chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bù học phí miễn, giảm theo quy định, Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học theo quy định (trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thông báo cho gia đình người học được biết trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ).
Tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí được cấp đối với học sinh, sinh viên học chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập: cấp 10 tháng/năm theo kỳ hạn (lần 1 cấp vào tháng 9 hoặc tháng 10 hằng năm; lần 2 cấp vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm). Đối với học sinh, sinh viên học nghề thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn: hỗ trợ tối đa theo mức trần học phí đối với cao đẳng nghề công lập quy định tại Nghị định 49 và cấp theo số tháng thực học. Trường hợp gia đình học sinh, sinh viên chưa nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo. Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học nơi học sinh, sinh viên đang học gửi thông báo để Phòng LĐ-TB&XH dừng thực hiện chi trả. Khi học sinh, sinh viên được nhập học lại sau khi hết thời hạn kỷ luật theo xác nhận của nhà trường thì Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện chi trả.
* Riêng tại TP. Buôn Ma Thuột, học sinh thuộc những địa phương nào được áp dụng quy định miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập? Trong quá trình triển khai Nghị định 49 và Thông tư liên tịch số 29, gặp phải những khó khăn gì?
- Danh mục xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại được xác định theo các quyết định đã liệt kê tại Thông tư liên tịch số 29. TP. Buôn Ma Thuột hiện có 21 xã, phường, trong đó có 13 xã, phường được công nhận thuộc khu vực vùng cao gồm các phường: Ea Tam, Khánh Xuân, Tân An, Tân Hòa, Tân Lợi, Thành Nhất và các xã: Hòa Thuận, Cư Êbuôr, Ea Tu, Ea Kao, Hòa Phú, Hòa Khánh, Hòa Xuân. Phường Tân Lập được công nhận thuộc khu vực miền núi nhưng có 2 buôn Kô Sia và Păn Lăm được công nhận thuộc khu vực vùng cao. Do đó, những học sinh, sinh viên thuộc các xã, phường nói trên của TP. Buôn Ma Thuột đều được miễn, giảm học phí hoặc hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Những xã, phường thuộc khu vực miền núi như phường Thống Nhất, Thắng Lợi, Tân Lập, Tân Tiến, Thành Công, Tân Thành, Tự An và xã Hòa Thắng thì học sinh, sinh viên thuộc gia đình chính sách có công, mồ côi cả cha lẫn mẹ … vẫn được miễn, giảm học phí, hỗ chợ chi phí học tập theo quy định. Trường hợp sinh viên của gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng không phải đồng bào dân tộc thiểu số và cư trú ở các xã không thuộc vùng cao thì không được miễn, giảm học phí theo quy định.
Do địa bàn rộng, số lượng đối tượng đông, trong khi đội ngũ hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết chế độ theo quy định tại các phòng LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục hạn chế về số lượng nên tạo ra tình trạng “quá tải”. Bên cạnh đó, Thông tư 29 lại liên quan đến rất nhiều văn bản, quyết định khác nhau (khoảng 40 văn bản, quyết định), gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, xác định đối tượng của ngành chức năng và cả người dân. Ngoài ra, nhiều điểm trong thông tư hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể chẳng hạn như trường hợp trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định được miễn toàn bộ học phí hoặc hỗ trợ chi phí học tập nhưng hiện cha mẹ đã chết thì có được hưởng theo quy định không. Do đó, để triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Nghị định 49 và Thông tư liên tịch số 29, thời gian tới, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của nghị định và thông tư trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp ở khu dân cư, các ngành chức năng liên quan cần sớm ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thống nhât để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Ngoài ra, cần xem xét tăng cường thêm lực lượng, hỗ trợ kinh phí cho những đơn vị trực tiếp nhận hồ sơ và thực hiện chi trả theo quy định. Và điều quan trọng hơn nữa, năm học 2010-2011 sắp kết thúc, vì vậy, Bộ Tài chính cũng phải cấp kinh phí cho địa phương để triển khai thực hiện kịp thời.
*Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc