Multimedia Đọc Báo in

Lưu luyến tuổi học trò

17:26, 05/06/2011

Thế rồi, giờ phút chia tay của học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du cũng đã đến. Cái thời khắc mà ai cũng mong đợi nhưng lại chẳng muốn đến bao giờ. Một chút gì đó ngân ngấn trong đáy mắt, những vòng tay siết chặt, những ánh mắt tìm đến nhau với bao điều muốn nói. Thời gian ơi! Hãy dừng lại để những kỷ miệm về mái trường, thầy cô, bạn bè vẫn đọng mãi…

Học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò.
Bịn rịn... 12 ơi !
 “Dẫu biết rằng, gặp nhau rồi chia tay là lẽ tự nhiên, nhưng khi sắp phải xa hẳn những hình ảnh gần gũi, thân thương sau 3 năm gắn bó, vui buồn mỗi ngày đến lớp, lòng ta khó tránh khỏi những cảm xúc bồi hồi”, lời mở đầu dặn dò của cô Đặng Thị Thu Cúc, giáo viên Văn tại buổi Lễ tri ân, trưởng thành cho học sinh khối lớp 12 năm học 2010-2011 đã mở tung cánh cửa cảm xúc đang dâng trào trong lòng mỗi người. Từng kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bạn bè như dòng thác lũ ùa về, nức nghẹn. Khó có thể nào quên được những đêm lửa trại bập bùng đến quá nửa đêm mà vẫn chưa muốn ngủ, những hội diễn văn nghệ sôi động, khiến những ai theo dõi phải ngỡ ngàng bởi sự tài hoa, xinh xắn của các bạn  học sinh trên sân khấu. Lễ hội ẩm thực với các món ăn sáng tạo, ngộ nghĩnh và những buổi sinh hoạt ngoại khóa thật bất ngờ: nam sinh của lớp Toán-Lý đạt giải văn chương, những lần ăn vụng trong giờ học, đi học trễ tìm cách đánh lừa ban nề nếp, không học bài bị thầy phạt đứng trước cửa lớp nhìn vào… tất cả đều ùa về.

Và có thể nào quên những mùa thi đặc thù của trường chuyên, khiến cả thầy và trò miệt mài sáng chiều bất kể thời gian. Để rồi mỗi mùa thi đi qua là những nụ cười rạng rỡ, chiến thắng, nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt xót xa, thất bại. Ai bảo học sinh trường chuyên chỉ biết học? Học sinh trường chuyên không ngịch? Không ai nói với ai lời nào, nhưng dường như sóng mắt cay cay. Nhiều nam sinh vội vàng quay đi, có bạn lại giả vờ nghe điện thoại như sợ ai   phát hiện ra phút lưu luyến, bâng khuâng trong giờ chia tay để bước sang một trang mới, với biết bao điều phía trước, nhưng cũng lắm chông gai.

Học sinh lớp 12 đang bày tỏ sự tri ân với các thầy cô giáo.
Học sinh lớp 12 đang bày tỏ sự tri ân với các thầy cô giáo.
Khi tôi 18
Khác với mọi ngày, sân trường Trường THPT Chuyên Nguyễn Du hôm diễn ra Lễ tri ân, trưởng thành rực rỡ hơn bởi những bộ trang phục không phải là đồng phục của học sinh trường chuyên. Lần đầu tiên sau 3 năm học, các bạn tự tin “diện” những bộ đầm công chúa, đầm bí, váy dạ hội sang trọng nhưng cũng rất teen đến trường. Một chút e ấp, ngượng nghịu, bạn Hồ Hải Yến, lớp 12 chuyên Anh-Pháp nói: “Tất cả các bạn nữ lớp 12 toàn trường hẹn nhau mặc những bộ trang phục lộng lẫy nhất, trang điểm đẹp nhất để tham dự buổi lễ. Chúng em muốn khẳng định với thầy cô, cha mẹ, mình đã thực sự trưởng thành cả về tri thức và đạo đức. Quan trọng hơn chúng em muốn lưu lại hình ảnh đẹp nhất, để mãi nhớ về nhau ”.

Từng nhóm học sinh tề tựu trước tượng đài đại thi hào Nguyễn Du, dưới tán cây bàng, cây hoàng lan để ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi còn lại của một thời áo trắng. Nơi góc sân trường, một nhóm học sinh khác đang vội vàng ghi lại những dòng lưu bút, số điện thoại trước khi rời xa mái trường thân thương đã gắn bó suốt 3 năm phổ thông. Chỉ vài giờ nữa thôi, những chiếc ghế đá, hàng cây, sân trường sẽ không còn in dấu chân của học sinh khối lớp 12 niên khóa 2008-2011. Các em đang chia sẻ những ước mơ sau khi rời mái trường THPT chuyên, rời vòng tay yêu thương của thầy cô, cha mẹ để bay vào chân trời mới. Phía trước là kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, tụi em sẽ cố gắng vượt qua 2 kỳ thi để biến những ước mơ thành hiện thực” em Phạm Quốc Bình, lớp 12 chuyên Toán  nói.

Phụ huynh, thầy cô giáo và toàn thể học sinh khối 12 như chìm sâu vào dòng cảm xúc khi những tiết mục văn nghệ về tình cảm thầy trò, một thời áo trắng do các bạn tự thể hiện đã thay  như một lời tri ân sâu sắc Ông Phạm Xuân Tình, một phụ huynh xúc động: “Tôi như thấy hình ảnh của mình 30 năm về trước qua các em luôn hồn nhiên, trong sáng, đầy tinh nghịch. Hồi ấy, học sinh lớp 12 chúng tôi không có buổi lễ trang trọng để bày tỏ  sự tri ân công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô giáo mà chỉ rụt rè, e ngại viết vài dòng cảm xúc, vội vàng gửi đến thầy cô”. Rời mái trường THPT, các em sẽ tiếp tục vào giảng đường đại học, cao đẳng, đi làm, sẽ có nhiều bạn bè nhưng tin chắc rằng, tình cảm thầy trò, bạn bè, trường lớp sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp của mỗi con người. Lễ tri ân, trưởng thành không chỉ đánh dấu khoảnh khắc quan trọng trở thành mà thêm một lần nữa bồi đắp tình yêu thương, niềm tin cho các em học sinh-những chủ nhân tương lai vững vàng bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.

 

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.