Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS ở Krông Bông

20:57, 25/06/2011

Huyện Krông Bông có 3 xã vùng sâu là Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao, dân số khoảng 22 nghìn người, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 80%. Công tác giáo dục ở những xã này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Năm học 2010-2011, 3 xã Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao có 6.191 học sinh từ bậc Mầm non đến THPT; trong đó có 5.047 học sinh DTTS, chiếm 81,5% (học sinh DTTS di cư tự do là 2.212 em). Hầu hết các trường đều có tỷ lệ học sinh là người DTTS trên 80%; riêng trường Tiểu học (TH) Yang Hăn và trường TH Cư Pui 2 có trên 95% học sinh DTTS.

Phòng học tạm ở Trường TH Cư  Pui 2.
Phòng học tạm ở Trường TH Cư Pui 2.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui cho biết: Tỷ lệ trẻ ra lớp ở các trường mẫu giáo vùng đồng bào DTTS chỉ đạt dưới 70% và chủ yếu là trẻ 5 tuổi; tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng xảy ra thường xuyên vì gia đình ít quan tâm, điều kiện kinh tế, đường sá đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, hầu hết các trường đều có nhiều điểm trường gây khó khăn trong việc quản lý; cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ; việc dạy 2 buổi/ngày hầu như các trường chưa thực hiện được… Do không có nền tảng giáo dục Mầm non nên khi vào lớp Một, rất nhiều em bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Đặc biệt ở nhiều trường có trên 90% học sinh chưa nói được tiếng phổ thông điều đó khiến việc tiếp thu kiến thức của các em mang tính thụ động (học vẹt), nhanh quên, càng làm cho các em lười học, chán học và hay nghỉ học. Theo số liệu khảo sát chất lượng đầu năm một số môn học cơ bản ở các lớp đầu cấp tại các xã nói trên, trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên rất thấp, chẳng hạn Trường THCS Yang Mao chỉ có trên 30% học sinh đạt điểm 5 trở lên ở môn Toán và Tiếng Việt; Trường THCS Cư Đrăm: 35%, THCS Cư Pui: 32%, THPT Trần Hưng Đạo 30%. Đặc biệt, chất lượng đầu vào (lớp 6 và lớp 10) ở hầu hết các trường còn thấp. Thầy Nguyễn Văn Bền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui chia sẻ: Chủ trương không thi tuyển vào lớp 6, lớp 10 giúp làm giảm bớt thủ tục thi cử, áp lực và tốn kém song chính vì điều này mà một số học sinh chủ quan, không ôn tập, sau 3 tháng hè các em quên hết những kiến thức đã được học dẫn đến chất lượng đầu vào ở các lớp đầu cấp chưa bảo đảm yêu cầu, rất nhiều học sinh bị “hổng” kiến thức. Điều đó khiến việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường rất khó khăn, mặc dù các trường đã mở nhiều chuyên đề, hội thảo nhằm tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn.
 Một lớp mẫu giáo ở Trường Mẫu giáo Cư Đrăm.
Một lớp mẫu giáo ở Trường Mẫu giáo Cư Đrăm.
Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS một cách thực chất, trước hết phải lấp những “lỗ hổng” về mặt kiến thức cho học sinh ở tất cả các bậc học; nâng cao chất lượng đội ngũ; quan tâm tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS... Muốn vậy cần tập trung các nguồn lực của toàn xã hội nhằm xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư kinh phí để thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với Mầm non và Tiểu học nhằm tăng thêm thời gian để có điều kiện giãn tiết, ôn tập, bổ sung kiến thức cho những em học sinh yếu kém. Mặt khác, vận động gia đình cần quan tâm hơn đến việc học của con em mình, phối hợp với nhà trường vận động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, tăng cường tiếng Kinh giúp các em có vốn tiếng phổ thông cần thiết để nghe, hiểu, nắm bắt, tiếp thu kiến thức giảng dạy của giáo viên một cách dễ dàng, nhất là ở bậc Tiểu học. Nhà trường cần phân lớp theo học lực của học sinh để công tác giảng dạy mang lại hiệu quả cao hơn; đội ngũ giáo viên cũng cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm trong giảng dạy học sinh DTTS, tạo cho các em tâm lý học tập thoải mái, gần gũi, hứng thú, chủ động tiếp thu kiến thức; quan tâm, tạo cho các em một sân chơi vui tươi, lành mạnh, bổ ích giúp các em tiếp xúc, rèn luyện, ôn tập kiến thức, bổ sung tiếng Việt trong dịp hè. Ngoài ra, việc xét học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học và THCS phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng thực chất…

Tùng Lâm

Ý kiến bạn đọc