Multimedia Đọc Báo in

Thêm một biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục

08:48, 20/06/2011

Năm học 2010-2011, ngành Giáo dục huyện Krông Ana thực hiện bàn giao chất lượng giáo dục giữa các cấp, bậc học thông qua tổ chức kiểm tra định kỳ học kỳ II. Việc công khai chất lượng dạy-học đã nhận được sự đồng tình của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ảnh bên: Giờ học tin học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana).
Giờ học tin học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana).
Lớp trên đánh giá lớp dưới
Thực hiện chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã triển khai việc bàn giao chất lượng học tập của học sinh lớp dưới lên lớp trên đến 42 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Theo đó, bộ phận chuyên môn của Phòng GD-ĐT cùng với hiệu trưởng các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, khách quan, trung thực kết quả học tập của học sinh. Đối với bậc học Mầm non, các trường chỉ kiểm tra, nghiệm thu chất lượng trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo Chuẩn kiến thức và bàn giao cho trường tiểu học. Cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chất lượng từ lớp 1 đến lớp 8; trong đó, khối Tiểu học kiểm tra, nghiệm thu 2 môn Toán, tiếng Việt; cấp THCS 3 môn: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Đề kiểm tra do Phòng GD-ĐT ra chung cho các khối lớp trong toàn huyện. Nội dung đề kiểm tra được cấu trúc gồm 30% trắc nghiệm và 70% tự luận, bảo đảm những kỹ năng cơ bản của chương trình bao gồm các mức độ: nhớ, hiểu biết, vận dụng sáng tạo và phát triển, kiến thức kiểm tra không vượt quá chương trình của từng khối lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Đối với lớp mẫu giáo 5 tuổi, Phòng GD-ĐT điều động hiệu trưởng và giáo viên dạy khối lớp 1 có năng lực chuyên môn, trách nhiệm cao ở trường tiểu học trên cùng địa bàn hành chính để nghiệm thu chất lượng. Trong quá trình nghiệm thu, cán bộ, giáo viên trường tiểu học kết hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện theo đúng quy chế và các văn bản hiện hành về kiểm tra, đánh giá học sinh bậc học mầm non. Đối với khối lớp 5, phòng điều động hiệu trưởng và giáo viên dạy Ngữ văn, Toán có năng lực, trình độ ở trường THCS xuống trường Tiểu học để kiểm tra, nghiệm thu chất lượng. Các khối lớp 1,2,3,4,6,7,8, hiệu trưởng mỗi trường phân công giáo viên lớp trên kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm nghiệm thu chất lượng theo lịch và đề của Phòng GD-ĐT. Việc kiểm tra, nghiệm thu được thực hiện theo nguyên tắc 2 giáo viên cùng nghiệm thu một lớp. Riêng khối lớp 9, sẽ lấy kết quả  thi tuyển vào lớp 10 tại các trường THPT để phân tích, đánh giá kết quả dạy-học của các trường. Ông Thái Văn Tài, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana cho biết: “Việc tổ chức kiểm tra được thực hiện tại mỗi lớp học, không xếp phòng thi, không xếp chỗ ngồi, tránh gây áp lực cho học sinh. Sau khi kiểm tra, các trường tổ chức chấm bài tập trung theo khối lớp tại trường và chấm theo cặp. Mỗi cặp gồm 1 giáo viên  Tiểu học và 1 giáo viên THCS, chấm độc lập thành 2 vòng sau đó lấy điểm trung bình. Giáo viên không được trực tiếp chấm bài của lớp mình dạy. Nhà trường và tất cả giáo viên tham gia nghiệm thu chất lượng học sinh phải cộng đồng trách nhiệm về tính chính xác, khách quan và công bằng của kỳ kiểm tra”.

Các đại biểu đang tham quan mô hình điểm về trang trí trường, lớp học thân thiện tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Krông Ana)
Các đại biểu đang tham quan mô hình điểm về trang trí trường, lớp học thân thiện tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Krông Ana)
Tấm gương phản chiếu chất lượng dạy - học
Không như những năm trước, năm học 2010-2011, việc đánh giá chất lượng dạy, học tập của giáo viên, học sinh diễn ra trên phạm vi toàn huyện, với cùng một đề thi, thời gian tổ chức thi và có sự giám sát chặt chẽ của giáo viên lớp trên. Qua đó, đã đánh giá chính xác, trung thực, khách quan mặt bằng chất lượng giáo dục chung của từng bậc học, cấp học. Quan trọng hơn, việc bàn giao chất lượng giáo dục lớp dưới lên lớp trên đã nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng quản lý, chất lượng dạy-học của từng cán bộ quản lý, giáo viên của mỗi trường. Cô Thái Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi khẳng định: “Ngay từ đầu năm học, mỗi cán bộ, giáo viên trong trường đã xây dựng động cơ phấn đấu rõ ràng, quyết tâm nâng cao chất lượng dạy-học. Về phía cán bộ quản lý cảm thấy thoải mái hơn khi đánh giá, xếp loại thi đua đối với từng giáo viên, nhân viên trong trường. Bởi, chất lượng học tập của học sinh cuối năm học là tấm gương phản chiếu trung thực quá trình phấn đấu của mỗi người”. Còn thầy Nguyễn Văn Tuyển, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi hồ hởi nói: “Khi chưa có sự bàn giao chất lượng học tập của học sinh giữa lớp dưới lên lớp trên, căn bệnh thành tích vẫn tồn tại trong một số giáo viên. Nhưng từ khi công khai chất lượng học tập của học sinh, với quy trình kiểm tra, nghiệm thu nghiêm túc, khoa học, căn bệnh này đã được đẩy lùi. Mỗi giáo viên phải tự đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm bảo đảm chất lượng dạy học.

Qua kiểm tra, nghiệm thu, chất lượng giáo dục học sinh của năm học 2010-2011, bậc học Mầm non có 1.382 cháu đạt yêu cầu (đạt 97,4%); Bậc Tiểu học có 8.124/8.621 học sinh đạt điểm kiểm tra môn Toán từ 5 điểm trở lên (đạt yêu cầu), môn tiếng Việt là 8.170 học sinh; Bậc THCS, môn Toán có 4.626/6.592 học sinh đạt yêu cầu, môn Ngữ văn 5.124 học sinh và môn tiếng Anh 4.599 học sinh. So với năm học trước, chất lượng giáo dục học sinh tăng lên rõ  rệt, duy nhất bậc THCS số học sinh đạt học lực giỏi giảm 0,2%. Qua kiểm tra, toàn ngành có 5.660 học sinh từ bậc học mầm non phải ôn tập trong dịp hè. Chất lượng học tập này sẽ được bàn giao cho khối lớp trên, đây cũng chính là biên bản cam kết chất lượng của năm học tiếp theo, buộc mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cấp bậc học trên không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy để duy trì tối thiểu kết quả đã nhận.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc