Multimedia Đọc Báo in

Để dạy tốt môn Giáo dục công dân trong trường THPT

11:09, 09/07/2011

Giáo dục công dân là môn học có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà từ phụ huynh, học sinh đến cả giáo viên đều xem nhẹ môn học này. Để môn Giáo dục công dân xứng đáng là môn đóng vai trò chính trong việc giáo dục nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống  cho học sinh:

Trước hết, cần phải thay đổi quan niệm môn học. Nhiều giáo viên chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của bộ môn trong đào tạo nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, cho nên chưa có nhiều suy nghĩ để sáng tạo ra những biện pháp giảng dạy hiệu quả. Các tiết công dân (nhất là công dân lớp 12) thường được coi là những tiết chữa cháy cho chương trình. Chính vì thế, việc cắt xén chương trình, đặc biệt là các tiết ngoại khóa rất dễ xảy ra vào cuối học kỳ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Tiếp đó, tránh ôm đồm khi tích hợp kiến thức. Chúng ta đều biết môn công dân là môn tích hợp rất nhiều vấn đề như: Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục chính sách quốc phòng... Vì thế, khi giảng dạy nếu không biết cách lựa chọn nội dung tích hợp phù hợp thì không những làm loãng kiến thức mà còn khiến học sinh cảm thấy chán ngấy và từ đó ghét cả môn học lẫn giáo viên giảng dạy.

Cũng cần chú trọng đến phương pháp bộ môn. Ở trường THPT, môn công dân cũng bị coi là môn phụ nên việc sử dụng phương pháp đọc - chép theo sách giáo khoa là chủ yếu, dẫn đến học sinh khó hiểu, nhàm chán. Muốn sinh động, hấp dẫn, khi giảng dạy, giáo viên bộ môn cần phải thay đổi phương pháp cho từng bài thích hợp, nhất là phải sưu tầm tư liệu và sử dụng hình ảnh trực quan thiết thực (nên sử màn hình Powerpoint khi giảng dạy).

Vấn đề quan trọng và trước mắt, các cấp quản lý giáo dục cần phải bố trí giáo viên giảng dạy môn công dân đúng chuyên ngành. Hiện nay, vẫn còn có không ít giáo viên giảng dạy môn công dân chưa bố trí đúng chuyên ngành nên khi giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn cả về nội dung lẫn phương pháp, nhất là chưa hiểu biết sâu về những kiến thức trừu tượng ở phần triết học và pháp luật. Phần lớn giáo viên đảm nhận dạy môn công dân cấp THPT thường là tốt nghiệp chuyên ngành kép như Sử-Chính trị hoặc chuyên ngành Lịch sử dạy phụ thêm các tiết môn công dân. Chính việc này đã làm hạn chế việc rèn luyện một số kỹ năng cho học sinh, nhất là kỹ năng sống. Được biết mới đây Bộ Giáo dục có thông báo cần bố trí giáo viên dạy môn công dân đúng chuyên ngành, vì thế cần triển khai sớm, nghiêm túc quy định trên.

Ngô Mã Thiên

Ý kiến bạn đọc