Triển khai dạy học ngoại ngữ bậc tiểu học còn nhiều nan giải
Một cuộc Hội thảo xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TTg về triển khai dạy-học ngoại ngữ bậc tiểu học vừa được Sở GD-ĐT tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên dạy môn ngoại ngữ. Đa số đại biểu tham dự đều tán đồng với mục tiêu chung của Đề án, song vẫn băn khoăn khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, cơ chế, chính sách cần thiết… của tỉnh vẫn chưa bảo đảm.
Toàn cảnh dạy-học ngoại ngữ bậc tiểu học
Theo khảo sát của Sở GD-ĐT, cuối năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 179/418 trường tiểu học thuộc 14 huyện, thị, thành phố tổ chức dạy tiếng Anh cho 43.550 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Duy nhất huyện Krông Bông chưa tổ chức dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học. Phần lớn các trường tổ chức dạy ngoại ngữ có đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh những đơn vị có thâm niên về dạy-học ngoại ngữ như TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, hai huyện Krông Pak, Ea Kar, những năm gần đây, các địa phương còn nhiều khó khăn như Lak, Krông Ana, Krông Năng, Cư M’gar cũng đã có sự đầu tư nhất định cho môn học này. Ông Thái Văn Tài, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana cho biết: “Toàn ngành có 14/20 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh. So với nhiều địa phương trong tỉnh, việc triển khai dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học có nhiều thuận lợi. Trong số 14 giáo viên tiếng Anh, có 9 giáo viên biên chế, 2 giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Là môn học đặc thù, nên Phòng GD-ĐT huyện đã thành lập tổ sinh hoạt chuyên môn chuyên biệt để giúp giáo viên nâng cao trình độ; đồng thời giúp phòng chỉ đạo công tác chuyên môn”.
Cũng như nhiều môn học tự chọn khác, bộ môn tiếng Anh rất khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, giáo trình giảng dạy, kinh phí bồi dưỡng … Trong tổng số 180 trường tổ chức dạy tiếng Anh, có 170 phòng có máy chiếu và duy nhất chỉ mới có Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) được đầu tư phòng lab, với tổng trị giá đầu tư 295 triệu đồng. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương đã linh động đề ra những biện pháp tháo gỡ khác nhau nhằm đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy, đáp ứng như cầu học tập của phụ huynh và học sinh. Ông Phùng Văn Chang, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar cho biết: “Toàn huyện có 36 trường tiểu học, nhưng duy nhất chỉ còn 2 trường tiểu học Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea Sôr) và Hà Huy Tập (xã Cư Yang) mới chia tách chưa tổ chức dạy tiếng Anh. Những năm đầu mới triển khai dạy thí điểm, Phòng GD-ĐT cũng phải hợp đồng giáo viên tiếng Anh, nhưng hiện nay đã có 24 biên chế. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi giáo viên tiểu học phải đảm trách 23 tiết/tuần, do đó Phòng GD- ĐT linh động bố trí giáo viên tiếng Anh phụ trách 2 trường trong cùng một địa bàn xã để bảo đảm số tiết quy định. Bên cạnh đó, mặc dù là môn học tự chọn, nhưng Phòng cũng tạo điều kiện cho các giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi, thi giáo án điện tử để nâng cao trình độ nghiệp vụ, tổ chức các hội thi cho học sinh yêu thích môn tiếng Anh tham gia từ đó nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ”.
Toàn ngành hiện có 802 giáo viên tiếng Anh, nhưng chỉ có 116 biên chế. Theo yêu cầu học tập của phụ huynh và học sinh, các trường đã hợp đồng giáo viên, kinh phí do phụ huynh học sinh đóng góp.
Thiết bị hỗ trợ góp phần nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Quảng Điền (huyện Krông Ana). |
Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục nhằm đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy tại các trường tiểu học. Tuy nhiên, việc dạy - học ngoại ngữ hiện nay cũng chỉ mang tính tự phát. Do đó, để đi đúng lộ trình và bảo đảm sau khi học xong Chương trình tiếng Anh tiểu học, học sinh phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương cấp độ A1;THCS là A2; hết THPT là B1….như mục tiêu đề án đề ra là rất khó. Ông Lê Thanh Trịnh, Chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp bày tỏ: “Đề án rất hay, nhưng khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra về trình độ đào tạo theo khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR), khi định biên biên chế cho môn học này chưa được quy định. Dẫu rất cố gắng, nhưng trong số 10 giáo viên tiếng Anh của toàn huyện cũng chỉ mới có 4 giáo viên biên chế, số còn lại phải hợp đồng. Sự thiếu ràng buộc cả hai phía (giáo viên và đơn vị quản lý lao động) ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”. Ông Hồ Thái Bảy, Chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn tỏ ra lo lắng hơn: “Việc triển khai dạy tiếng Anh bắt buộc cho học sinh lớp 3 là rất khó thực hiện. Hiện nay, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng một lúc phải học 2 ngôn ngữ là tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ. Bây giờ, học thêm tiếng Anh, chắc chắn rằng sẽ bị quá tải chương trình”.
Xung quanh xây dựng chuẩn trình độ và nghiệp vụ giáo viên tiếng Anh, nhiều đại biểu tỏ ra rất lo lắng: “Chương trình tiếng Anh tiểu học được xây dựng dựa vào nhu cầu của xã hội Việt Nam và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học. Trong khi đó, phần lớn đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh của các trường tiểu học được đào tạo ra để giảng dạy bậc THCS và THPT. Giáo viên thiếu năng lực sư phạm tham gia giảng dạy vô tình sẽ làm hỏng năng lực ngôn ngữ của học sinh, rất khó khắc phục trong các năm học tiếp theo. Do đó, đối tượng quan tâm đầu tiên khi triển khai Quyết định này phải là đội ngũ giáo viên”, ông Thái Văn Tài, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đề xuất. Bên cạnh đó, việc dạy và học tiếng Anh cho học sinh tiểu học xuất phát từ sở thích, hứng thú và trải nghiệm của các em. Ở độ tuổi này, các em chưa có khả năng nắm bắt ngôn ngữ một cách hệ thống và phân tích ngôn ngữ một cách có ý thức, nên phương pháp học tốt nhất và ngôn ngữ thông qua hoạt động (nghĩa là phải tạo cơ hội cho học sinh tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao tiếp để hình thành kỹ năng ngôn ngữ thông qua tình huống giao tiếp phong phú và hấp dẫn), những điều này khó có thể đạt được khi tình trạng dạy chay-học chay tiếng Anh vẫn đang còn phổ biến.
Sự kỳ vọng lớn nhất của các đại biểu khi tham dự Hội thảo, Sở GD-ĐT cần tham mưu UBND tỉnh ban hành chiến lược dạy-học ngoại ngữ. Trong đó, cần đưa ra những giải pháp đột phá: Phân bổ định biên biên chế giáo viên bộ môn tiếng Anh; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc dạy- học ngoại ngữ; xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy-học ngoại ngữ, tạo động cơ học tập ngoại ngữ của thế hệ trẻ; cùng với đó là tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên trong các cấp học, nhất là các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phù hợp với số lượng, cơ cấu và trình độ đào tạo. |
Ý kiến bạn đọc