Multimedia Đọc Báo in

Để mỗi ngày đến trường là một niềm vui

09:51, 31/08/2011

Không riêng những nơi điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, những ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa cũng đã khoác lên mình “chiếc áo mới”, trở thành trung tâm văn hóa của mỗi địa phương sau 3 năm (2008-2011) thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Những kết quả bước đầu của phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy - học của mỗi trường.

Trường, lớp xanh-sạch-đẹp-an toàn
Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhận được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (GV), học sinh (HS) và sự đồng thuận của các ngành, đoàn thể trong xã hội. Các nội dung của phong trào càng trở nên thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng khi được thực hiện lồng ghép với phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia và các Cuộc vận động lớn do Bộ GD-ĐT phát động. Nhờ vậy, sau 3 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, toàn tỉnh có 530 trường học được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp khuôn viên, trồng cây cảnh, cây bóng mát; xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh. Từ đó tạo ra môi trường thân thiện, học sinh đến trường phấn khởi và tự tin hơn; mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng ngày càng thêm gắn bó. Thầy Lê Văn Dự, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (xã Dak Phơi, huyện Lak) cho biết: “Ở một xã có hơn 70% dân số là dân tộc bản địa M’nông, việc huy động trẻ đến trường gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài lý do phụ huynh “khoán trắng” chuyện học cho nhà trường, cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là nguyên nhân không thể thu hút HS dẫn đến tỷ lệ bỏ học giữa chừng trên 10%/năm. Những năm gần đây, nhà trường đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ gồm phòng thực hành, phòng thí nghiệm, thư viện và phòng vi tính với 21 máy được nối mạng nội bộ, giúp GV, HS có thêm kênh thông tin tiếp nhận và lĩnh hội kiến thức. Cùng với đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian, vệ sinh buôn làng, trồng cây xanh trong khuôn viên trường, chăm sóc Đài tưởng niệm xã Dak Phơi tạo sự gắn bó giữa các thầy cô giáo và học sinh, qua đó, bồi đắp thêm tình yêu trường, mến bạn cho các em, nhờ vậy tỷ lệ HS bỏ học đã giảm xuống dưới 3%/năm”.

Cùng với dạy học trên lớp, đã thành nền nếp, các trường học trên địa bàn tỉnh đều đặn tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (GDNGLL) theo từng chủ điểm đã được xây dựng từ đầu năm học: Truyền thống nhà trường; Kính yêu thầy cô giáo; Yêu đất nước Việt Nam; Gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc; Yêu quý mẹ và cô giáo; Bác Hồ kính yêu…giúp HS có điều kiện thể hiện năng lực  bản thân, từng bước hình thành kỹ năng giao tiếp, bộc lộ hứng thú, lòng tự tin và sự ham học hỏi, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Trường THCS Quang Trung (xã Krông Nô, huyện Lak) được đầu tư xây dựng khang trang - sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Trường THCS Quang Trung (xã Krông Nô, huyện Lak) được đầu tư xây dựng khang trang - sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Thầy chủ động, trò tích cực
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, sau 3 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, 100% trường học đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Chỉ tính riêng năm học 2010-2011, toàn ngành đã có trên 3.060 sáng kiến kinh nghiệm, được đúc rút từ thực tiễn quản lý, giảng dạy ở mỗi trường. Nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học mới đã được các trường ứng dụng như: dạy học có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; dạy học trực quan có sự phối hợp tích cực của người học; dạy học phát huy tính tích cực của học sinh; kỹ thuật “khăn trải bàn”, kỹ thuật học tập cá nhân có sự hỗ trợ của nhóm, kỹ thuật “xoay ổ bi” trong dạy học ôn tập..., phần nâng cao chất lượng dạy-học. Nhà giáo ưu tú Phan Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pak) chia sẻ: “Quan trọng nhất là phải tạo môi trường học tập tự tin, thoải mái cho HS. Muốn vậy, GV phải biết tổ chức tốt giờ học bằng cách chuẩn bị kỹ bài giảng với một hệ thống câu hỏi gợi ý trước, để khi vào giờ giảng, HS cùng suy nghĩ, trao đổi xây dựng bài cùng thầy, cô giáo, bạn bè trong lớp. Trong quá trình giảng phải biết kết hợp các phương tiện hỗ trợ cho học tập như ứng dụng công nghệ thông tin, bảng tương tác thông minh, thảo luận nhóm. Khi trao đổi, thảo luận, HS phải biết chọn lọc những vấn đề trọng tâm nhất để ghi nhớ. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, nhà trường đặc biệt chú trọng giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm cho HS. Đây là hành trang quan trọng giúp các em vững tin bước vào đời”. Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm: “Để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Bộ GD-ĐT, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý, toàn ngành đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa trên Chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; Thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và học sinh; Thiết kế câu hỏi hợp lý, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải; Bồi dưỡng cho học sinh năng lực độc lập suy nghĩ; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học; Coi trọng thực hành, thí nghiệm, rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh; Khai thác hiệu quả các phòng học bộ môn, nâng cao kỹ năng thực hành, phát huy tính tích cực của học sinh”.

Có thể khẳng định, việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực, làm cho mái trường thân thiện hơn đối với học sinh, nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm từ 1,03% năm học trước xuống còn 0,89% năm học 2010-2011. Chất lượng giáo dục HS được nâng lên rõ nét. Cụ thể số học sinh THCS học lực yếu giảm từ 15,27% còn 12,19%; THPT từ 25,69% còn 23,51%. Số học sinh khá, giỏi bậc THCS từ 36,6% lên 39,9% và THPT từ 24,21% lên 25,14%. Với những thành tích đạt được sau 3 năm, ngành Giáo dục Dak Lak vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.