Multimedia Đọc Báo in

Khóa huấn luyện lãnh đạo trẻ tương lai: Chắp cánh những ước mơ

08:56, 29/08/2011

Kết thúc kỳ nghỉ hè năm nay, hơn 100 em học sinh được tuyển chọn từ các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau trải qua một khóa huấn luyện “Lãnh đạo trẻ tương lai” với nhiều niềm vui, bài học bổ ích...

Tham gia cùng 100 em học sinh là Liên đội trưởng, Liên đội phó Ban Chấp hành các Liên đội THCS thuộc 15 huyện, thị, thành đoàn và các em đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội, nhóm Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tại khóa huấn luyện “Lãnh đạo trẻ tương lai” từ ngày 8 đến 14-8, điều ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi đó là sự vui nhộn, lý thú và vốn kiến thức phong phú của những em học sinh này. Rời vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình để đến sống trong một môi trường quân đội đầy nghiêm ngặt đối với các em quả là điều không dễ; tuy nhiên nó đã giúp các em trưởng thành, học hỏi được nhiều điều bổ ích, lý thú trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Sự mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, ứng xử đã giúp các em nhanh chóng hòa đồng trong môi trường sống tập thể. Từ đó, không ít em đã thể hiện sâu sắc khả năng, kiến thức của mình trước sự ngỡ ngàng của các anh chị trong Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn. Đây là sân chơi thiết thực, bổ ích, đồng thời là dịp để đội ngũ chỉ huy đội trong toàn tỉnh giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh là chuyên đề chính mà các em đã được học trong khóa huấn luyện.
Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh là chuyên đề chính mà các em đã được học trong khóa huấn luyện.

Khóa học dù chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần, thế nhưng các em lại được học tập, rèn luyện và thực hành nhiều kỹ năng cơ bản trong công tác đoàn, đội như: kỹ năng nút dây, lều trại, dấu đi đường, semmapho, moorse, mật thư… Nắm bắt được những kiến thức này, các em sẽ làm tốt vai trò của người chỉ huy liên đội. Ngoài ra, những kỹ năng cần thiết của người chỉ huy cũng là một nội dung mà các em rất quan tâm, bởi điều này sẽ giúp các em ứng dụng tốt và hiệu quả khi trở về sinh hoạt tại trường. Chương trình học mang tính độc lập, buộc các em phải chủ động vì không chỉ học mà còn phải truyền đạt lại được cho người khác. “Em đã làm liên đội trưởng của trường 2 năm, nhưng khi tham gia khóa học này, em học được rất nhiều điều thú vị và bổ ích. Sau khi trở về trường, em sẽ hướng dẫn các bạn sinh hoạt những bài dân vũ quốc tế, trò chơi mới và phương pháp làm việc theo nhóm…”, em Trần Duy Khánh (huyện Lak) hồ hởi nói. Sau khi nắm bắt được các kỹ năng cơ bản về hoạt động đoàn, đội, các em được làm quen với chuyên đề kỹ năng giao tiếp và những thói quen có hại, có ích đối với thiếu niên, để biết tự đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện mình trong học tập và cuộc sống. Thực tế cho thấy, việc dạy kỹ năng giao tiếp, điều chỉnh các thói quen là một nhu cầu tất yếu đối với học sinh trong độ tuổi này. Do vậy, việc tiếp cận với những kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sinh tồn đã làm thay đổi tư duy trong cách đối nhân, xử thế hằng ngày. Để có thể giúp các em khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của mình và phát huy hết tiềm năng vốn có, trở thành những con người có ích cho xã hội, điều quan trọng nhất là xây dựng những thói quen tốt trong sinh hoạt, tư duy và cả trong tâm lý, tình cảm.

Các học sinh tham gia diễn đàn "Một ngày làm đại biểu Quốc hội".
Các học sinh tham gia diễn đàn "Một ngày làm đại biểu Quốc hội".

Bên cạnh đó, các em còn được truyền đạt những kỹ năng nói trước công chúng, nghệ thuật thuyết trình và tuyên truyền miệng. Đây là hoạt động thiết thực, cung cấp những kiến thức hữu ích, kỹ năng cần thiết về giao tiếp bằng lời nói và bằng ngôn ngữ cơ thể, giúp các em luôn mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp, chủ động làm quen với người lạ và biết cách thiết lập các mối quan hệ tương tác, biết cách thể hiện bản thân và phát triển tốt nhất các khả năng tiềm ẩn của mình. Em Nguyễn Thị Phương Nga, đến từ Trường THCS Hoàng Văn Thụ (huyện Cư M’gar) cho biết: “Trước đây em thường run khi đứng trước đám đông, nhưng sau khi được học những kỹ năng cơ bản, em có thể tự tin bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó trước đám đông mà không phải dè dặt, lo sợ nữa. Qua khóa học này, em cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống từ cách đối nhân xử thế đến cách thể hiện tình cảm trong gia đình”.
Có thể nói, ấn tượng nhất vẫn là diễn đàn “Một ngày làm đại biểu Quốc hội” với chủ đề công tác bảo vệ môi trường. Những câu hỏi của các “cử tri” nêu ra và lời giải trình của những “đại biểu Quốc hội” nhí làm không khí hội trường trở nên sôi động và đầy thú vị. Qua đó, giúp các em ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và vận động bạn bè, người thân tham gia vào công tác này một cách tích cực, hiệu quả. Đây cũng là cơ hội để các em thể hiện khả năng trình bày và những sáng kiến trong việc cải thiện môi trường sống… “Mục tiêu của khóa huấn luyện hướng đến việc trang bị cho các em học sinh nhận thức và vận dụng tốt các kỹ năng được học vào thực tế cuộc sống; thông qua các chuyên đề kỹ năng lãnh đạo; vai trò, phẩm chất của người chỉ huy đội; thiếu niên với việc tiết kiệm, chống lãng phí… các em biết cách xây dựng kế hoạch hay phương pháp làm việc theo nhóm”, ông Trần Hồng Tiến, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chỉ huy trưởng khóa huấn luyện cho biết.

Kết thúc khóa huấn luyện, dù có buồn là phải chia tay, nhưng ai cũng vui mừng vì mình đã có thêm nhiều kiến thức mới để ứng dụng vào hoạt động của liên đội trong năm học tới. Đó là những kỹ năng về công tác đoàn, đội; những bài dân vũ, trò chơi lạ; là vốn kiến thức để chắp cánh ước mơ làm lãnh đạo trong tương lai…

Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.