Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

08:46, 29/08/2011

Cùng với các chính sách ưu đãi, việc triển khai chương trình dạy tiếng Êđê ở bậc tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và Êđê nói riêng. Đối với ngành Giáo dục Dak Lak, dạy và học tiếng mẹ đẻ còn là “chìa khóa” để học sinh (HS) người Êđê tiếp cận tri thức một cách sâu sắc và toàn diện hơn, chất lượng giáo dục cũng sẽ cao hơn .

Dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh DTTS
Dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông đã được triển khai thí điểm từ năm học 1981-1982 và đang nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, HS Êđê trong tỉnh. Nếu như năm học 1995-1996, cả tỉnh chỉ có 3 trường TH thuộc các phòng GD-ĐT hai huyện Krông Pak, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột tổ chức 5 lớp dạy tiếng Êđê cho 138 HS thì, năm học 2010-2011 hầu hết các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Lak) đã có 76 trường TH, 497 lớp, 11.052 HS, 97 giáo viên (tăng 89 giáo viên so với lúc mới triển khai) dạy-học tiếng Êđê; bậc THCS (các trường phổ thông dân tộc nội trú) đã có 12 trường, 35 lớp, 1.414 HS, tăng gấp đôi số trường so với năm học 2003-2004. Các huyện Cư M’gar, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột là những địa phương có số trường, lớp và HS học tiếng Êđê đông nhất. Ông Nguyễn Văn Thú, phụ trách Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc thuộc Sở GD-ĐT khẳng định: “Việc đưa tiếng mẹ đẻ vào dạy trong các trường tạo tâm trạng phấn chấn cho học sinh và phụ huynh. Điều này khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Êđê nói riêng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, ngôn ngữ và tiếng nói. Những tri thức mới được du nhập dưới vỏ ngôn ngữ mẹ đẻ, là cơ sở so sánh, đối chứng, nắm bắt, sử dụng ngôn ngữ phổ thông tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn”.

Dạy tiếng Êđê đã có tác động tích cực đối với việc học tập của HS. Phần lớn HS ham học tiếng mẹ đẻ và tự tin trong học tập. Những giờ học tiếng Êđê, HS thường tham gia đầy đủ, nắm bắt kiến thức nhanh, vững chắc. Qua đó cho thấy, dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông đã khẳng định vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Cụ thể, 5 năm (2005-2010) bậc tiểu học có 38% HS đạt học lực giỏi, khá; cấp THCS 46,8%. Nhờ vậy đã khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều HS dân tộc thiểu số đến lớp, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng được giảm thiểu.

Giáo viên dạy tiếng Êđê các trường thảo luận nhóm về đổi mới phương pháp giảng dạy.
Giáo viên dạy tiếng Êđê các trường thảo luận nhóm về đổi mới phương pháp giảng dạy.
Đa dạng các hoạt động giáo dục
Với đặc thù của một tỉnh có tỷ lệ học sinh DTTS xấp xỉ 30%, ngoài việc tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách ưu đãi về cơ sở vật chất, hỗ trợ dụng cụ học tập, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Năm học 2010-2011, lần đầu tiên sau 30 năm triển khai dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông, ngành đã tổ chức Hội thi đồ dùng dạy học bộ môn tiếng Êđê bậc TH và Hội thi giáo viên dạy giỏi tiếng Êđê. Đây là hoạt động chuyên môn có tính chất quyết định đẩy mạnh phong trào thi đua dạy-học tốt, khuyến khích các thầy cô giáo, cán bộ quản lý tự học, sáng tạo... Đặc biệt, chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” ở bậc tiểu học đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh DTTS, qua đó, phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; đồng thời khơi dậy tình yêu tiếng Việt trong các em.

Theo ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT, đối với học sinh DTTS, rào cản lớn nhất trong học tập là khả năng biết, hiểu và nói tiếng Việt hạn chế, do đó ngành đã tập trung thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “nghiên cứu xây dựng hệ thống các bài học bổ trợ môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 1,2,3” nhằm tăng cường vốn tiếng Việt cần thiết. Ngành cũng đã hoàn thành biên soạn bộ sách giáo khoa môn tiếng Êđê bậc TH gồm 3 quyển 1, 2 và 3 (tương ứng với lớp 3, 4 và 5) theo hướng hiện đại, bám sát khả năng tư duy và khả năng tiếp thu của HS, giảm tải chương trình (từ 4 tiết/tuần xuống còn 2 tiết/tuần theo quy định của Bộ GD-ĐT), đặc biệt nội dung mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Êđê và một số dân tộc thiểu số bản địa sinh sống trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Cùng với phương pháp dạy-học, cơ sở vật chất, sách giáo khoa chuẩn là phương tiện giúp học sinh DTTS học tiếng mẹ đẻ tốt hơn.

Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Ngành Giáo dục cũng đã xác định đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy tiếng Êđê trong nhà trường. Tuy nhiên, giáo viên dạy tiếng Êđê của tỉnh hiện đang thiếu về số lượng, chưa đạt chuẩn về chuyên môn. Lâu nay, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dạy tiếng Êđê do cơ sở đảm nhiệm, tùy điều kiện, chương trình, tài liệu, người dạy mà việc bồi dưỡng được thực hiện theo kiểu “thiếu gì bồi dưỡng nấy”. Khắc phục tình trạng trên, chuẩn bị cho năm học mới 2011-2012, ngành Giáo dục đã tổ chức đợt bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tiếng Êđê cốt cán theo giáo trình được biên soạn  bài bản, thống nhất. Cô Trần Thị Huệ, giáo viên Trường TH Nguyễn Du (huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy thấy học sinh DTTS tại chỗ tiếp thu tiếng Việt khó khăn nên tôi quyết định học tiếng Êđê để hỗ trợ tốt hơn cho bài giảng. Khi kết hợp giữa tiếng Việt và tiếng Êđê vào giảng dạy, học sinh hiểu bài nhanh hơn, đặc biệt đối với môn chính tả và tập đọc. Tuy nhiên, việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh DTTS cũng chỉ áp dụng theo phương pháp dạy tiếng phổ thông. Sau đợt bồi dưỡng chuyên môn này, ngoài những bài học theo khung chương trình tôi sẽ giới thiệu  thêm cho HS về  văn hóa, văn học dân gian Êđê, truyền thống đấu tranh, xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước; chính sách ngôn ngữ của Đảng, Nhà nước giúp các em hiểu và yêu tiếng mẹ đẻ của mình hơn”. Cô H’er Êban, giáo viên Trường TH Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) nói: “Đợt bồi dưỡng này sẽ thống nhất phương pháp giảng dạy tiếng Êđê chung trong phạm vi toàn tỉnh. Vốn từ vựng của tiếng Êđê ít, một số từ phải vay mượn tiếng Việt nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp, qua lớp tập huấn này sẽ thống nhất sử dụng từ nào cho phổ thông để tất cả các nhánh tộc Êđê đều hiểu. Đặc biệt, giáo viên được trang bị  những kiến thức về tâm lý của học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó, mỗi giáo viên sẽ hình thành một phương pháp phù hợp để giảng dạy, giúp học sinh DTTS yêu và thích học tiếng mẹ đẻ.

Năm học 2011-2012, ngành Giáo dục ưu tiên tối thiểu 5% chỉ tiêu cho học sinh DTTS  tại các trường có tổ chức thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Chủ trương này tạo điều kiện cho học sinh DTTS được học tập trong môi trường giáo dục tốt, vừa tạo nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc; đồng thời tạo nguồn cán bộ DTTS tại chỗ cho địa phương.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc