Multimedia Đọc Báo in

Vững tin bước vào năm học mới

07:24, 22/08/2011

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, hôm nay (22-8) trên 461 nghìn học sinh các cấp của tỉnh bước vào năm học mới 2011-2012. Đây là năm học “Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, do đó ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chế độ ưu tiên cho học sinh dân tộc thiểu số, quyết tâm gặt hái “một mùa bội thu” toàn diện.

Bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp
Để chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cho năm học mới, ngay khi kết thúc năm học 2010-2011, ngành Giáo dục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đôn đốc tu sửa trường lớp, tăng cường xây dựng phòng học mới, bổ sung thiết bị, đồ dùng học tập, hạn chế tối đa tình trạng học nhờ, học mượn. Cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước, các dự án, ngành còn tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân để đầu tư xây dựng mới 1.200 phòng học. Đến nay, hơn 1.000 phòng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngành cũng đã sử dụng các nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu, vốn ngân sách địa phương để mua sắm bàn ghế, trang thiết bị hỗ trợ  các trường để có điều kiện dạy học thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng. Năm nay, ngành tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất các trường ở những huyện đặc biệt khó khăn như: M’Drak, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông… Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Năm nay, việc xây dựng cơ sở vật chất trường học có nhiều mối lo vì thực hiện Nghị quyết số 11/NĐ-CP của Chính phủ về các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên một số công trình hạng mục công trình trường học của tỉnh đã có kế hoạch, bố trí vốn xây dựng  nhưng không thể triển khai, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Tuy nhiên, điều thuận lợi là hệ thống trường lớp học trên địa bàn tỉnh đã được kiên cố hóa, khuôn viên bồn hoa cây cảnh cũng đã được các đơn vị bảo vệ, chăm sóc ngay cả trong những ngày hè, thêm vào đó việc đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục được các cấp  ủy đảng, chính quyền địa phương, phụ huynh hết sức quan tâm. Đó chính là nguồn động viên to lớn, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho ngành Giáo dục vững tin bước vào năm học mới”.

Nhiều công trình, hạng mục công trình đang được gấp rút thi công để kịp bàn giao cho các trường.
Nhiều công trình, hạng mục công trình đang được gấp rút thi công để kịp bàn giao cho các trường.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Năm học 2011-2012, ngành giáo dục được HĐND tỉnh phê duyệt 794 biên chế, đưa tổng số cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành lên 32.973 người, chủ yếu  tập  trung cho các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trực thuộc UBND các huyện và Sở GD-ĐT (779 biên chế); các đơn vị thuộc Sở, ngành và các trường cao đẳng (15 biên chế). Việc tuyển dụng giáo viên tiếp tục thực hiện theo cơ chế phân cấp quản lý, để đơn vị sử dụng lao động trực tiếp tuyển đúng người có năng lực, phù hợp với yêu cầu, điều kiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Về phía Sở GD-ĐT đã phối hợp các ngành liên quan xây dựng phương án tuyển dụng giáo viên, theo đúng quy trình đạt chất lượng kịp thời bổ sung đầy đủ khi bước vào khai giảng năm học. Cùng với đó, để thực hiện có hiệu quả chủ đề của năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, ngay từ đầu hè, ngành cũng đã tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên từ bậc mầm non đến THPT. Sở GD-ĐT đã hợp đồng với Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho khoảng 3.500 giáo viên THPT của các bộ môn nhằm tăng cường năng lực, kỹ năng sư phạm, đáp ứng với yêu cầu phát triển giáo dục trong tình hình mới. Đối với các bậc học khác, thông qua các đợt tập huấn của Bộ GD-ĐT, ngành cũng đã tập huấn lại đội ngũ giáo viên cốt cán tất cả các huyện để về triển khai ở các trường. Bên cạnh bồi dưỡng chuyên môn, ngành đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đợt bồi dưỡng chính trị, nhất là học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết XV của Đảng bộ tỉnh cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên. Đây cũng là sự chuẩn bị rất quan trọng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên khi bước vào năm học mới.
Đội nghi lễ Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) tích cực tập luyện chuẩn bị chào đón năm học mới.
Đội nghi lễ Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) tích cực tập luyện chuẩn bị chào đón năm học mới.
Nhiều chính sách cho học sinh DTTS
Với đặc thù của một tỉnh có khoảng 30% học sinh DTTS, công tác giáo dục học sinh DTTS được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động giáo dục như bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê, tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 trong hè, ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29 của liên Bộ Giáo dục-Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến thời điểm này tất cả các huyện, thị xã, thành phố đã cấp sách giáo khoa (SGK) và vở viết cho trên 158.000 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) và học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí là 45 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so với năm học trước. Danh mục sách, định mức vở viết cho từng cấp, bậc học năm học 2011-2012 cũng tăng hơn. Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Theo quy định của Nghị định 49 và Thông tư hướng dẫn 29, đối tượng học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ sách, vở, viết thu hẹp hơn năm trước. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng học tập, hạn chế tình trạng bỏ học, tỉnh ta đã trích ngân sách để cấp SGK, vở viết cho học sinh DTTS ở các xã, phường, thị trấn không thuộc khu vực được hưởng NĐ 49 giúp các em yên tâm học tập. Năm học 2011-2012, ngành Giáo dục ưu tiên tối thiểu 5% chỉ tiêu cho học sinh DTTS tại các trường có tổ chức thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Chủ trương này tạo điều kiện cho học sinh DTTS được học tập trong môi trường giáo dục tốt, vừa tạo nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc; đồng thời tạo nguồn cán bộ DTTS tại chỗ cho địa phương.

Tiếng trống trường đã điểm, năm học mới bắt đầu. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, tin rằng, ngành Giáo dục tỉnh ta sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm của năm học đã đề ra.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(Video) Cầu nối hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nhiều thay đổi trong cuộc sống. Với người khuyết tật, công nghệ đã hỗ trợ đắc lực, tạo điều kiện nâng cao kiến thức, giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.