Multimedia Đọc Báo in

Công tác khuyến học - khuyến tài ở một xã vùng sâu

09:24, 12/09/2011

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, xã Krông Nô (huyện Lak) còn làm tốt công tác khuyến học-khuyến tài nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Nhờ đó, quy mô trường lớp được mở rộng, chất lượng giáo dục nâng cao, đem lại niềm tin cho nhiều gia đình học sinh và giáo viên. 

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn 100 km về hướng Nam, xã Krông Nô (huyện Lak) từng được biết đến là “điểm nóng” về tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất, trường lớp còn tạm bợ nên không thu hút được học sinh. Ông Y Krang Du, Chủ tịch UBND xã nhớ lại: “Cách đây hơn 10 năm, Trường Phổ thông cơ sở Quang Trung có đến 8 điểm trường, nhiều phòng học bằng tranh tre tạm bợ, thiết bị dạy học thiếu thốn. Năm học 1998-1999, lớp 9 đầu tiên của xã chỉ có 17 học sinh đủ điều kiện tham gia kỳ thi tốt nghiệp THCS”. Trước thực trạng trên, ngoài thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng trường lớp, chính quyền xã đã triển khai cấp đất ở cho giáo viên ở xa đến xã công tác. Với chính sách thu hút này, cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên; nhiều thầy cô giáo đã yên tâm gắn bó với trường lớp, học sinh.

Với mục tiêu vận động toàn xã hội tham gia công tác khuyến học - khuyến tài, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, những năm qua, Hội Khuyến học xã Krông Nô đã tích cực hoạt động mang lại hiệu quả cao; nhận được sự quan tâm của mọi người, đem lại niềm tin cho nhiều gia đình học sinh và giáo viên nghèo trong xã... Không dừng lại ở phạm vi địa phương, Hội còn hướng đến những địa chỉ, đối tượng bên ngoài để cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp trồng người, không chỉ về vật chất, mà cả về công sức, ý tưởng, giải pháp tốt, cách làm hay. Cô Bùi Thị Trí Huệ, Hiệu trưởng, Trường THCS Trần Hưng Đạo cho biết: “Giai đoạn 2005-2010, Chi hội khuyến học nhà trường đã huy động các đơn vị và cá nhân ủng hộ gần 100 triệu đồng tiền mặt, hơn 1.000 cuốn vở, hàng trăm cuốn sách, tạp chí cùng xe đạp, quần áo. Nhờ vậy, ngày càng nhiều thầy cô giáo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong giảng dạy, học tập được giúp đỡ, động viên kịp thời, yên tâm công tác, học tập. Đầu năm học 2010 Trường còn được Công đoàn Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Sài Gòn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Công đoàn Giáo dục Dak Lak giúp xây tặng nhà công vụ trị giá 170 triệu đồng. Cá nhân Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng thuộc đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tại Dak Lak đã tặng thư viện nhà trường hàng trăm cuốn sách, giúp giáo viên, học sinh có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao kiến thức trên các lĩnh vực.

Từ năm học 2008-2009 đến nay, bằng nhiều hình thức, Hội Khuyến học xã Krông Nô còn tích cực huy động nhiều nguồn vốn để hỗ trợ các trường xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” như: tặng cây xanh, cây cảnh, trị giá hàng chục triệu đồng, hỗ trợ làm nhà để xe, sửa chữa hàng rào, hỗ trợ chi phí tổ chức Hội thi trò chơi dân gian, tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Đặc biệt, Hội đã vận động các nghệ nhân hướng dẫn, tập luyện và thành lập Đội cồng chiêng Măng non để dự thi Liên hoan các đội chiêng măng non huyện Lak lần thứ nhất và đã đoạt giải Ba. Sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội như vậy đã tạo đà thay đổi về chất trong công tác dạy-học của Krông Nô. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng chỉ xấp xỉ 3%, giảm hơn 7% so với các năm học trước; trung bình mỗi năm có gần 100 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó hơn 60% học sinh tiếp tục theo học THPT, bổ túc THPT. Hiệu quả của hoạt động khuyến học - khuyến tài không chỉ ở những con số về giá trị vật chất mà có ý nghĩa tinh thần đặc biệt, động viên đội ngũ giáo viên gắn bó lâu dài và dành tâm huyết cho học sinh. Cô Vũ Thị Hằng, giáo viên môn Ngữ văn, công tác 6 năm tại Trường THCS Trần Hưng Đạo tâm sự: “Giao thông cách trở, đời sống khó khăn, học sinh, phụ huynh không “mặn mà” với việc học, nên khi mới về nhận công tác mình đã tự nhủ, chỉ ở đây một vài năm rồi sẽ tìm nơi thuận tiện hơn để chuyển đi. Nhưng sau vài năm học, chính sự hồn nhiên của các em, tấm lòng của phụ huynh và sự quan tâm của chính quyền địa phương đã “níu chân” mình ở lại. Giờ đây, không chỉ tham gia công tác giảng dạy mà mình còn tham gia tích cực các hoạt động giáo dục, sẵn sàng đóng góp hết sức mình về mọi mặt để xây dựng quê hương thứ hai bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm”.

Nhờ có phương pháp, cách thức tuyên truyền sáng tạo, đặc biệt là đội ngũ làm công tác khuyến học nhiệt tình, năng động, hết lòng vì học sinh, xã Krông Nô đã thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia chăm lo cho công tác giáo dục, góp phần phát triển quy mô trường lớp, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Năm học 2010-2011, xã Krông Nô có 4 trường học (1 trường MN, 2 trường TH và 1 trường THCS), với gần 1.600 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 84%. Tuy nhiên, về lâu dài, việc duy trì được công tác khuyến học, khuyến tài không phải là điều dễ dàng. “Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều nguồn hỗ trợ, sự quan tâm nhiều hơn nữa của toàn xã hội, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác khuyến học- khuyến tài. Nguồn Quỹ khuyến học, khuyến tài càng nhiều, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều học sinh được giúp đỡ, con đường đến trường của các em sẽ dễ dàng hơn” - cô Bùi Thị Trí, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc