Multimedia Đọc Báo in

Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” Trường THCS Nguyễn Chí Thanh: Một mô hình cần được nhân rộng

09:49, 20/09/2011

Thành lập đầu năm học 2009-2010, Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã và đang góp phần bảo vệ, xây dựng môi trường trong trường học trở nên xanh - sạch - đẹp; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho học sinh trong giữ gìn vệ sinh chung cảnh quan môi trường…

Mô hình Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” Trường THCS Nguyễn Chí Thanh hoạt động dưới các hình thức tuyên truyền và tổ chức nhiều việc làm thiết thực trong toàn trường để tạo những thói quen, những hành vi ứng xử tốt đối với môi trường, giúp các bạn học sinh tham gia tích cực vào chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ban đầu thành lập, Đội có hơn 30 em là học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, mỗi tuần các thành viên trong Đội xây dựng kịch bản tuyên truyền để thông tin các nội dung, sự cần thiết phải bảo vệ môi trường cũng như ảnh hưởng của môi trường đến đời sống của con người; những quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước về môi trường và bảo vệ môi trường; một số vấn đề cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường… Các hoạt động này diễn ra vào đầu giờ học và các giờ ra chơi (trong chương trình Phát thanh Măng non của trường) để các học sinh trong trường biết và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

Học sinh chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học.
Học sinh chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học.
Trong các chương trình phát thanh, bản tin do các em soạn không chỉ cung cấp các thông tin một cách thường xuyên về vấn đề bảo vệ môi trường, mà còn biểu dương kịp thời chi đội, đội viên thực hiện tốt công tác môi trường và bảo vệ môi trường; những điển hình tiên tiến trên lĩnh vực phòng, chống các hành vi phá hoại môi trường trong toàn trường. Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh của trường chia sẻ: “Bằng các hình thức tuyên truyền có hiệu quả và kịp thời đã khích lệ, biểu dương những em có ý thức tốt; qua đó  giúp cho việc nhận thức bảo vệ môi trường của học sinh trong toàn trường được nâng lên rõ rệt. Bây giờ, đến lớp các em đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, từ sân trường đến từng lớp học luôn được sạch sẽ”. Có thể nói, mô hình này đã góp phần giúp cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường nhận thức sâu sắc hơn về môi trường và việc bảo vệ môi trường; từ đó có những hành động thiết thực vừa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống những hành vi phá hoại môi trường, vừa giáo dục mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường; góp phần hình thành nếp sống văn minh, xây dựng ngôi trường xanh - sạch - đẹp.

Từ việc nâng cao nhận thức hiểu biết của các em học sinh trong việc giữ gìn môi trường, các thành viên trong Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” còn tổ chức và vận động các bạn tham gia nhận trồng mới cây xanh, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường; tham gia tổng vệ sinh toàn trường theo lịch phân công (1 tuần 2 lớp lao động). Em Phùng Thị Tố Nga, học sinh lớp 8C vui vẻ nói: “Tham gia vào Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” của trường, em thấy mình trưởng thành và hiểu biết hơn về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Không chỉ riêng em, mà các bạn trong trường đều luôn ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi ở trong trường cũng như ngoài đường”. Quả thực, đây thực sự là một mô hình hoạt động có hiệu quả trong những năm học qua và cho thấy với nhiều cách làm hay, cách làm mới như vậy đã  giúp các em trở thành những con ngoan, trò giỏi, biết yêu lao động và vượt khó vươn lên. Mặc dù trong năm học mới 2011-2012, nhiều thành viên của Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” đã ra trường, nhưng nhà trường sẽ tiếp tục duy trì đội và kết nạp thêm những em học sinh lớp 6 tham gia vào hoạt động này để góp phần cải thiện môi trường xanh – sạch – đẹp, cô Tâm cho biết.

Theo anh Nguyễn Trọng Tài, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột: Từ những kết quả đạt được qua mô hình Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” ở Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, trong năm học này, chúng tôi sẽ kiến nghị với đoàn, đội cấp trên nhân rộng mô hình này ra các liên đội khác để hướng đến việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong trường học.

Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.