Lịch sử địa phương vẫn bị xem là tiết học “chữa cháy”
Những tiết dạy lịch sử địa phương không những trang bị kiến thức về lịch sử vùng đất mà còn có ý nghĩa giáo dục cho học sinh biết yêu mến, tự hào và tự giác tham gia xây dựng quê hương. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc dạy và học các tiết lịch sử địa phương còn chưa được coi trọng. Nhiều giáo viên vẫn xem chương trình lịch sử Việt Nam và thế giới trong sách giáo khoa mới là phần chính thống, còn các tiết lịch sử địa phương chỉ là những tiết “chữa cháy”, không được thực hiện hoặc chỉ thực hiện qua loa, đại khái.
Bên cạnh đó, khi dạy lịch sử địa phương, các trường cũng thường chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu về các anh hùng dân tộc, những danh nhân mà trường được mang tên, chưa chú trọng tìm hiểu và làm phong phú các kiến thức về vùng đất nơi học sinh đang sinh sống. Bên cạnh đó, các tiết lịch sử địa phương lại bị bố trí ở sau chương trình và không nằm trong chương trình thi cử nên rất ít học sinh quan tâm. Điều này đã dẫn đến thực trạng học sinh không nắm được hoặc biết rất ít về lịch sử địa phương nơi mình sinh sống.
Thiết nghĩ, để các tiết lịch sử địa phương được giảng dạy có hiệu quả, ngành GD-ĐT cần chủ động biên soạn tài liệu lịch sử địa phương dùng trong các trường phổ thông và có sự thống nhất trong chương trình giảng dạy ở các bậc học trong tỉnh. Trong quá trình giảng dạy, có thể đưa lịch sử địa phương vào nội dung kiểm tra một tiết hoặc kiểm tra học kỳ nhằm tạo thêm động lực dạy và học cho giáo viên và học sinh. Song quan trọng hơn hết vẫn là sự thay đổi nhận thức về việc giảng dạy lịch sử địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông.
Ý kiến bạn đọc