Mô hình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú: Bảo đảm cho giáo dục dân tộc phát triển bền vững
Năm 2003, ngành Giáo dục xây dựng điểm mô hình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Nhờ đó, con đường đến trường của nhiều học sinh dân tộc thiểu số có nhà ở xa trường đã bớt “chông chênh”, giảm hẳn tình trạng bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đường đến trường đã bớt “chông chênh”
Nằm giữa lưng chừng đèo Phượng Hoàng (xã Ea Trang, huyện M’Drak), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Bội Châu là “mái nhà chung” của 359 học sinh dân tộc thiểu số Êđê, Mông, Nùng, Tày, Dao, Thổ và Kinh; trong đó, dân tộc Kinh chỉ chiếm 1%. Cách đây 3 năm (năm học 2008-2009), nhà trường được Nhà nước đầu tư kinh phí mở các lớp bán trú, nhờ đó con đường đến trường của hơn 110 học sinh dân tộc thiểu số, gia đình chính sách của xã Ea Trang trước đây (nay gồm 2 xã Ea Trang và Cư San) đã bớt nhọc nhằn hơn. Em Triệu Thị Phẩy, dân tộc Dao (thôn 9, xã Cư San), học sinh lớp 9 nhớ lại: “Đầu năm học lớp 6, bố mẹ đã phải chặt tre, cắt tranh ra gần khu vực trường dựng lều để thuận tiện cho việc đi học vì nhà cách trường 25 km. Lúc ấy, xung quanh trường có khoảng 30 lều, lán được phụ huynh dựng lên cho con ở học. Các em hoàn toàn tự túc về ăn, ở và phải tự lo liệu các hoạt động sinh hoạt học tập. Không thể nào quên được những cơn mưa rừng, nhà bị gió lùa, mưa dột khiến quần áo, sách vở đều ướt. Giờ đây, có nhà bán trú, chúng em không còn lo sợ mỗi khi mùa mưa đến”. Còn em Đặng Văn Tuấn, lớp 8A (thôn 5, xã Cư San) nói: “Sau mỗi buổi học, chúng em không còn phải đi bộ đến mấy quả đồi với bụng đói meo để về nhà mà đã được ăn ở bếp ăn tập thể. Sau bữa ăn lại được nghỉ ngơi thoải mái, có nhiều thời gian hơn dành cho học tập”.
Năm học 2011-2012, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở cách xa trường của xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) đã có chỗ ở ổn định nhờ “Nhà bán trú dân nuôi” do các tập thể, đơn vị hảo tâm quyên góp xây dựng. Tỉnh Đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên ủng hộ 150 triệu đồng, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel-Chi nhánh tại Dak Lak hỗ trợ 50 triệu đồng, UBND huyện Cư M’gar ủng hộ 24 chiếc giường, UBND xã Ea Kuêh ủng hộ tôn lợp và ngày công. Công trình có tổng diện tích 155m2, gồm 4 phòng ở (20m2/phòng), 2 phòng vệ sinh. Thầy Phan Hữu Xá, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh) hồ hởi nói: “Nỗi lo canh cánh bao năm nay của chính quyền địa phương và Ban Giám hiệu nhà trường về tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã được tháo gỡ. Ngay đầu năm học, nhà trường đã bố trí cho 16 học sinh của buôn Xê Đăng (cách xa trường 12 km) ở nội trú. Rất mừng, có những học sinh năm học trước bỏ học do nhà ở cách xa trường, nay đã đi học trở lại khi có chỗ ở ổn định”.
Nhờ mô hình trường dân tộc bán trú, học sinh tại các vùng khó khăn trong tỉnh được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. |
Sau 8 năm triển khai (từ năm 2003), đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 10 trường phổ thông dân tộc bán trú điểm, với 936 học sinh theo học ở 1 trường tiểu học, 2 trường THCS và 7 trường THPT tại các huyện khó khăn: Krông Ana, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Lak, Krông Bông và M’Drak. Ngoài thực hiện đúng và kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước cho học sinh bán trú, trong những năm qua của tỉnh, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội cũng đã quyên góp tiền, quà cho chương trình. Chính sự nỗ lực này đã “níu giữ” các em gắn bó với trường lớp, giảm hẳn tình trạng bỏ học, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục bền vững. Tổng kết năm học 2010-2011, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng của toàn tỉnh giảm từ 1,03% xuống còn 0,89%; đặc biệt tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng. Điển hình năm học 2010-2011, Trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo) có 25% học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; trong khi đó, trước khi có các lớp học bán trú, tỷ lệ học sinh đỗ chỉ khoảng 10-12%; tỷ lệ này tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Drak) là 20% (trước đó là 10-12%). Thầy Nguyễn Mạnh Điệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Bội Châu khẳng định: “Phần lớn học sinh nhà ở cách trường từ 15-20 km, cá biệt có em nhà cách trường 60 km, giao thông đi lại rất khó khăn. Không ít học sinh vì hoàn cảnh gia đình đã phải bỏ học, thế nhưng từ khi có mô hình lớp bán trú, các em đã quay trở lại lớp học tập. 3 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 4% xuống còn 2%. Đặc biệt đầu năm học 2011-2012, đã có 6 học sinh bỏ học quay lại lớp. Đây là một tín hiệu đáng mừng của công tác giáo dục ở một xã đặc biệt khó khăn.
Với đặc thù của một tỉnh có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 30% tổng số học sinh; địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày) thì quy mô các trường, lớp bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số như hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách của các địa phương còn hạn hẹp, nên việc hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú và hỗ trợ xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị cho trường thổ thông dân tộc bán trú chưa được nhiều. Ngày 21-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 85 về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo quy định này, học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh và các em được bố trí ở trong khu bán trú của nhà trường. Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Quyết định 85 của Thủ tướng đã gỡ khó cho các trường phổ thông dân tộc bán trú. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ này, vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh dân tộc thiểu số bán trú. Hầu hết các trường phải huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của các địa phương về tài chính, sự chủ động trong quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp học phù hợp. Về phía ngành Giáo dục đang đề xuất với UBND tỉnh tăng cường nguồn lực đầu tư cho mô hình này; đồng thời bàn bạc với cha mẹ học sinh “chia sẻ” khó khăn với ngành để có thể đáp ứng tốt hơn điều kiện sinh học tập, sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số bán trú”.
Ông Phan Hồng cho biết thêm: ngành Giáo dục đang xây dựng Đề án phát triển Trường Dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015. Theo đó, tất cả các huyện khó khăn trong tỉnh có nhu cầu về loại hình này được đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như chế độ chính sách thu hút để huy động được nhiều hơn nữa học sinh đến trường. Trong đó, ưu tiên tăng thêm số trường có lớp bán trú, hoặc xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú hoàn chỉnh ở các địa phương khó khăn và có nhiều nhu cầu về mô hình trường này; trước mắt tập trung ưu tiên cho 5 huyện nghèo. Cùng với đó, ngành giáo dục cũng đang tập trung hoàn thiện bộ phận quản lý chuyên trách ở tất cả các trường, đồng thời tăng cường tuyển dụng thêm nhân viên để phục vụ học sinh bán trú ở các nhà trường và có chính sách hỗ trợ để giáo viên tăng thời lượng bồi dưỡng phụ đạo cho học sinh bán trú. Những giải pháp như vậy chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng giáo dục đối với mô hình trường bán trú, nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này.
Ý kiến bạn đọc