Multimedia Đọc Báo in

Thừa, thiếu…

09:25, 12/09/2011

Tính đến nay thời gian xét tuyển nguyện vọng 2 đã đi được hơn nửa chặng đường. Một mùa “tuyển quân” của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã dần khép và để lại nhiều vấn đề trăn trở, đáng suy ngẫm.

Đầu tiên có lẽ phải đề cập đến chuyện mất cân bằng trong lựa chọn ngành học.  Đã xuất hiện trong một vài năm gần đây và bệnh càng trầm trọng khi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đánh dấu sự đắt hàng của khối tự nhiên và sự ế ẩm của khối khoa học xã hội. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số 1.964.598 hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ thì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo khối A chiếm đến 55,20%, với tổng số 1.084.583 hồ sơ; đứng thứ hai là khối B với 381.503 hồ sơ, chiếm 19,40%; khối D có tổng số 304.480 hồ sơ, chiếm 15,50% và khối C chỉ có 125.264 hồ sơ, chiếm 6,40% còn lại là các khối khác. Thực trạng này đã dẫn đến một hệ lụy sau đó là trường thì tải không hết, trường thì mỏi mắt ngóng học sinh. Đến thời điểm này có trường bội thu hồ sơ, trong khi nhiều trường đại học vùng lại thiếu hàng nghìn hồ sơ so với chỉ tiêu. Đơn cử Đại học Thái Nguyên mới có 1.705 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, trong khi tổng chỉ tiêu nguyện vọng 2 của trường năm nay là 5.104 chỉ tiêu; Đại học Công nghiệp Quảng Ninh nhận được 82 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (chỉ tiêu là 660); hệ cao đẳng mới nhận 57 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 trong tổng số 1.050 chỉ tiêu…

Cũng bởi những khó khăn trong việc xét tuyển, một chiêu thức ít thấy trong ngành Giáo dục từ trước đến nay là “khuyến mãi” để thu hút học sinh. Hình thức khuyến mãi đủ cả từ dùng tiền làm quà tặng đến các chế độ ưu đãi cho người xét tuyển vào trường như: hỗ trợ chi phí xe cộ đi lại đối với thí sinh ở xa, bố trí chỗ ở thuận tiện, cho vay vốn ưu đãi không lãi suất... Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường cần tập trung tìm các giải pháp cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín của trường, không thông tin, quảng bá về việc áp dụng các biện pháp thu hút thí sinh bằng mọi giá, dưới mọi hình thức, thiếu lành mạnh, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ sẽ tổ chức thanh tra công tác xét tuyển của các trường. Tất cả các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Quy định là vậy nhưng nhiều trường vẫn tìm cách “lách” để chiêu sinh. ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) có chỉ tiêu 1.400, với số trúng tuyển NV1 ít ỏi, để thu hút hồ sơ NV2, NV3, trường thông báo rộng rãi chương trình học bổng tặng quà. Theo đó, ở hệ đại học mỗi thí sinh nhập trường có điểm từ mức sàn đến 15,5 được tặng 550.000 đồng, 16-19,5 là 700.000 đồng và trên 20 điểm là 1 triệu đồng. Ngoài ra, tất cả thí sinh cao đẳng nhập trường đều được tặng 500.000 đồng mỗi em. Riêng cơ sở giáo dục sẽ được nhận 250.000 đồng cho việc khuyến khích một thí sinh vào học tại trường. ĐH Thái Bình Dương (Nha Trang) đưa ra mức "khuyến mãi" cho sinh viên nội tỉnh đăng ký vào học hệ đại học và cao đẳng với mức giảm 25% học phí cho năm học đầu tiên, sinh viên ngoại tỉnh được giảm 20%; tặng 700.000 đồng cho mỗi thí sinh dự thi đại học có tổng điểm 3 môn từ 16 đến 19,5 điểm; tặng thêm 1.000.000 đồng cho thí sinh dự thi đại học có tổng điểm 3 môn từ 20 trở lên…

Ngắm nhìn bức tranh mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay người thì hồ hởi rằng đó là thấm nhuần chủ trương xã hội hóa giáo dục, người thì buồn rầu về một nền giáo dục đang bị thương mại hóa, hòa tan, đánh mất mình trong xu thế hiện đại hóa. Tất nhiên xã hội hóa giáo dục là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn để nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực nhưng xã hội hóa bằng mọi giá vô hình trung lại là “gậy ông đập lưng ông”, chất lượng không bảo đảm. Những lùm xùm trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay càng bộc lộ rõ hơn căn bệnh thừa, thiếu trong giáo dục, thừa thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Đ.T

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.