Dạy - học tiếng Pháp: Có còn sức hấp dẫn?
Từ năm học 1994 – 1995, Dak Lak được chọn là một trong 19 tỉnh, thành phố tham gia chương trình “Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp” (còn gọi dạy tăng cường tiếng Pháp). Sau gần 17 năm nỗ lực duy trì, chương trình này đang đứng trước nguy cơ “teo tóp” dần.
Học sinh không “mặn mà” với tiếng Pháp
Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 6 trường tổ chức dạy tiếng Pháp cho 732 học sinh (HS) của 3 cấp học; riêng Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tổ chức dạy hệ tiếng Pháp Ngoại ngữ 2 cho 1.230 HS. Ông Phạm Minh Thư, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Trung bình mỗi năm giảm khoảng 20-30 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 tiếng Pháp. Thật đáng buồn khi sĩ số HS theo học tiếng Pháp giảm dần ở từng khối lớp, từng bậc học. Cụ thể: bậc TH có 436 HS, THCS 177 HS và bậc THPT là 119 HS”. Lý giải điều này, một số cán bộ làm công tác quản lý giáo dục cho rằng, trước đây chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp được thực hiện tại 3 trường tiểu học: Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Định, là những trường có điều kiện cơ sở vật chất khang trang, tổ chức hình thức dạy bán trú, nên nhiều phụ huynh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho con thi tuyển vào lớp tiếng Pháp, với hy vọng con em mình được học tại các trường điểm. Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện học tập tại các địa phương vùng ven thành phố đã bảo đảm nên nhu cầu học tiếng Pháp, (đồng thời cũng trái tuyến) giảm theo. Cách đây hơn 5 năm Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định đã không còn tổ chức dạy tiếng Pháp. Cô giáo Bùi Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Năm học 2011-2012, nhà trường có 9 lớp học tiếng Pháp, với 258 học sinh; trong đó khối lớp 1 (72 HS), khối lớp 2 (68 HS), khối lớp 3 (42 HS), khối lớp 4 (35 HS) và khối lớp 5 (37 HS). Trung bình mỗi năm có khoảng 12-15 học sinh “xin chuyển” từ lớp Pháp ra lớp thường. Rõ ràng, nhu cầu được học tại các trường “trọng điểm” vẫn còn, do đó không ít phụ huynh vẫn nộp hồ sơ cho con thi tuyển vào lớp Pháp và sau 1 năm theo học thì xin chuyển ra lớp thường với lý do không có năng khiếu ngoại ngữ, không theo kịp chương trình và như vậy nghiễm nhiên có một “tấm vé” tại trường mà không hề trái tuyến”. Cô Đỗ Thị Ngọc Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết, năm học 2011-2012, nhà trường thông báo tuyển sinh 45 chỉ tiêu lớp Pháp và cũng chỉ có 50 hồ sơ đăng ký. Qua đó cho thấy, nhu cầu học tiếng Pháp của học sinh không nhiều.
Học sinh lớp 6 tiếng Pháp Trường THCS Phan Chu Trinh đang thảo luận nhóm. |
Theo lý giải của nhiều phụ huynh: nhu cầu học tiếng Pháp giảm là do đầu ra vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi. Mỗi năm ở TP. Buôn Ma Thuột có hơn 70 học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiếng Pháp, nhưng duy nhất chỉ có Trường THCS Phan Chu Trinh tổ chức dạy tiếng Pháp, với chỉ tiêu tuyển khoảng 45 học sinh. Như vậy, sẽ có hơn 25 HS không được tiếp tục theo học tiếng Pháp. Công sức đầu tư cho tiếng Pháp suốt những năm tiểu học của những HS này sẽ bị bỏ phí khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, không muốn cho con theo học tiếng Pháp ở bậc tiểu học. Hơn nữa, với tâm lý “sính” tiếng Anh như hiện nay, đa số phụ huynh cho con em mình làm quen với tiếng Anh ngay từ đầu cấp tiểu học nên đến lớp 6, ít học sinh nào chịu chọn học tiếng Pháp. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành Giáo dục hoàn toàn không “bó hẹp” đầu ra của học sinh tiếng Pháp. Ngoài Trường THCS Phan Chu Trinh, trước đây còn có Trường THCS Tân Lợi tổ chức dạy tiếng Pháp, tuy nhiên, có năm nhà trường chỉ tuyển được chưa đến 10 HS. Do đó nhà trường đã có văn bản đề nghị Phòng GD-ĐT thành phố Buôn Ma Thuột xin chuyển toàn bộ số HS học tiếng Pháp trên cho Trường THCS Phan Chu Trinh. Như vậy việc tăng hay giảm chỉ tiêu tuyển sinh tiếng Pháp ở các lớp đầu cấp hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu học tập của học sinh. Cô Đỗ Thị Ngọc Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh đề nghị: Để khuyến khích phong trào học tiếng Pháp, ngành GD-ĐT nên có định hướng dài hơi cho học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Không chỉ dừng lại ở việc được học (có chính sách khuyến khích) liên tục trong các trường phổ thông mà cả bậc đại học. Thực tế cho thấy, học sinh học tiếng Pháp khi ra trường khó có cơ hội tìm kiếm việc làm hơn các em học ngoại ngữ khác”.
Lãnh đạo Sở GD- ĐT cho biết, ngành xác định ngoại ngữ là một môn học cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông và duy trì dạy nhiều thứ tiếng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của HS và xã hội. Do đó, để duy trì sự "hiện diện" của môn tiếng Pháp trong các trường phổ thông, từ năm học 2005-2006 (khi hết sự tài trợ của Chương trình tăng cường dạy tiếng Pháp), Sở GD-ĐT phải chi trả lương cho 20 giáo viên và kinh phí tổ chức các kỳ thi, các hoạt động chuyên môn. Đồng thời có những ưu tiên nhất định đối với học sinh theo học chương trình tăng cường dạy tiếng Pháp. Học sinh hoàn thành chương trình học tiếng Pháp được tuyển thẳng vào các trường khi chuyển cấp.
Để có hướng đi đúng cho môn tiếng Pháp, ngoài sự cố gắng của ngành Giáo dục, mỗi phụ huynh cần xác định rõ động cơ học tập của con em ngay từ ban đầu để có sự đầu tư thích đáng, tránh lãng phí công sức, thời gian cho con em mình. Riêng với ngành GD-ĐT, với nỗ lực và quyết tâm đề ra, liệu có vực dậy được một chương trình giáo dục có chất lượng tốt-chương trình “Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp” hay không? Câu trả lời đang còn ở phía trước.
Ý kiến bạn đọc