Multimedia Đọc Báo in

Một số khó khăn trong thực tập giảng dạy của sinh viên sư phạm hiện nay

13:37, 09/10/2011

Trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm, hoạt động thực tập sư phạm (TTSP). Đây là khâu rất quan trọng trong việc hình thành khuynh hướng nghề nghiệp sư phạm; hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của những giáo viên tương lai. Thế nhưng trong những năm qua, bên cạnh những thuận lợi, việc TTSP ở các trường THPT còn gặp nhiều khó khăn có thể kể đến như:

Sinh viên còn chưa quen với việc soạn giáo án khi lên lớp để đánh giá. Việc soạn giáo án là một kỹ năng cơ bản và rất quan trọng đối với mỗi sinh viên khi lần đầu tham gia TTSP. Nó giúp cho mỗi sinh viên bắt đầu hình thành các bước lên lớp; biết sử dụng các kỹ năng, phương pháp thích hợp vào một bài giảng. Đặc biệt, nó giúp cho mỗi sinh viên bước đầu hình thành cách triển khai các thao tác sư phạm cũng như kiến thức đã được học vào bài giảng. Khác với kiến tập sư phạm, việc soạn giáo án chỉ mang ý nghĩa làm quen với các bước lên lớp và tham gia dự giờ của giáo viên hướng dẫn là chủ yếu; đối với TTSP, việc soạn giáo án đòi hỏi khắt khe, cẩn thận và khoa học hơn. Và nhất là mỗi sinh viên phải hiện thực hóa giáo án đó trên lớp học để đánh giá vào kết quả thực tập giảng dạy. Về phương diện này, nhiều sinh viên tỏ ra lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, khi soạn giáo án còn lệ thuộc quá nhiều vào các sách thiết kế bài giảng và chưa linh hoạt trong các bước soạn giáo án khi lên lớp. Nhiều sinh viên thậm chí còn chưa định hình các bước soạn giáo án như thế nào là hợp lý, khoa học,…

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chưa làm chủ được kiến thức của mình trong việc soạn giáo án cũng như khi giảng dạy. Từ việc sinh viên chưa thoát ly khỏi giáo án, ít tìm hiểu và vận dụng kiến thức nên khi gặp tình huống sư phạm bất ngờ từ những câu hỏi của học sinh đã bị lúng túng không thể hoàn thành yêu cầu của bài giảng. Một số sinh viên còn giảng sai lệch hoặc thiếu nội dung kiến thức bài học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Một khó khăn nữa là nhiều sinh viên chưa làm chủ được lớp học. Đây là hệ quả của việc sinh viên chưa làm chủ được kiến thức của mình. Kinh nghiệm trong việc giảng dạy cho thấy có đến trên 50% thành công của bài giảng phụ thuộc vào sự giúp đỡ và cộng tác nhiệt tình của học sinh vào tiết dạy của giáo viên. Vì thế, nếu người dạy không làm chủ được lớp học sẽ không thể triển khai các thao tác lên lớp hiệu quả được. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng bài, do áp lực từ nhiều phía, nhiều giáo sinh còn thiếu khả năng bao quát lớp học, thay vào đó là chỉ tập trung tái hiện giáo án. Do vậy, khiến cho tiết học trở nên căng thẳng, chưa phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh, dễ gây nhàm chán cho tiết dạy.

Mặt khác hiện nay các trường học đang chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy vai trò trung tâm của học sinh. Tuy nhiên, nhiều sinh viên TTSP chưa thực hiện được phương pháp này, dẫn đến việc nhiều giáo sinh còn giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Từ đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung đổi mới phương pháp bài học của học sinh. Sinh viên cũng chưa có khả năng thực sự lôi kéo học sinh tham gia vào các bước lên lớp để đánh giá của mình.

Ngoài ra một số giáo viên được phân công công tác hướng dẫn sinh viên chưa thực sự nhiệt tình, còn có biểu hiện hướng dẫn qua loa, chưa đi sâu chỉ dẫn các em trong các bước soạn giáo án, lên lớp và dưa ra những nhận xét, góp ý cụ thể. Nhiều giáo viên còn lợi dụng sinh viên TTSP tham gia dạy thay cho mình…
Còn có thể kể ra một số khó khăn khác nữa như: sinh viên chưa biết cách trình bày bảng, khả năng giao tiếp với học sinh còn bị hạn chế, thời gian thực tập sư phạm ngắn, cơ sở vật chất của một số trường có sinh viên về TTSP còn lạc hậu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hoạt động TTSP….

Để có thể khắc phục những khó khăn trên, có thể đề xuất một số giải pháp sau:

Đối với cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm:
Cần tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc môi trường sư phạm: trường học, lớp học, môn học, làm quen với khung chương trình các môn học ở các trường THPT trước khi sinh viên tham gia đợt TTSP; tiến hành các hội thi nghiệp vụ sư phạm để thu hút các em sinh viên có điều kiện, sân chơi  thể hiện tài năng, là môi trường học tập kinh nghiệm và chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho các sinh viên đi TTSP sau này.
Ngoài ra, chương trình đào tạo sinh viên sư phạm cần bám sát chương trình, nội dung các môn học ở bậc THPT, tránh việc sinh viên chỉ được học lý thuyết chung chung, dẫn đến hệ quả là khi đi TTSP nhiều sinh viên bị lúng túng, chưa chủ động về kiến thức. Mặt khác, việc đào tạo phải gắn liền với hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên thực hành chuyên sâu hơn. Từ đó sẽ giúp cho sinh viên làm quen với môi trường sư phạm, định hướng việc soạn giáo án, các khâu lên lớp… trước khi tham gia TTSP ở ở các trường THPT.

Đối với các trường có sinh viên TTSP:
Cần có sự quan tâm, giúp đỡ của Ban chỉ đạo TTSP. Bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, các trường cần xây dựng các phòng chuyên dụng cho hoạt động TTSP để sinh viên có thể học tập được phương pháp giảng dạy của nhiều giáo viên, nhiều môn học, từ đó, giúp sinh viên TTSP tự tin hơn khi lên bục giảng. Muốn làm được điều này, đòi hỏi các trường THPT thường xuyên có sinh viên về TTSP phải xây dựng hệ thống nghe-nhìn, Ca-me-ra… để thuận tiện cho việc dự giờ của sinh viên đối với không chỉ giáo viên hướng dẫn mà còn ở nhiều giáo viên và ở nhiều môn khác. Ngoài ra, sự nhiệt tình giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn và học sinh là một trong những nhân tố giúp các em sinh viên có đủ tự tin lên lớp hiệu quả.

Văn Hà

Ý kiến bạn đọc