Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, những năm gần đây ngành học Mầm non ở tỉnh ta mới được quan tâm đầu tư bài bản từ trường lớp đến trang thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi…Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục Mầm non (GDMN) mới, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Phát triển quy mô, số lượng trường lớp
Hiện nay, mạng lưới trường, lớp mầm non ở tỉnh ta phát triển cả về quy mô và số lượng, với 235 trường, tăng 18 trường so với năm học 2009-2010. Không chỉ những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, mà ở các buôn làng xa xôi trong tỉnh những ngôi trường mầm non, lớp học mẫu giáo cũng đã khang trang, đàng hoàng hơn. Chỉ tính riêng trong 2 năm học 2009-2010 và 2010-2011, ngành học Mầm non đã được đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng mới 211 phòng học, phòng chức năng, 191 công trình nước sạch, vệ sinh, cải tạo 11 bếp ăn theo quy trình bếp một chiều và mua sắm trên 100 bộ thiết bị. Các phòng GD-ĐT cũng đã tăng cường đầu mua sắm trang thiết bị như: đồ dùng trong lớp và ngoài trời, ấn phẩm, các trang thiết bị hỗ trợ (ti vi, máy vi tính, đàn organ, máy chiếu projester, máy photocopy…). Cùng với đó, các trường đã huy động được sự ủng hộ, đóng góp của phụ huynh để trang bị thêm sách tham khảo, tranh ảnh, đồ dùng học tập phục vụ các hoạt động có chủ đích và vui chơi của trẻ trị giá gần 2 tỷ đồng. Cô Vi Thị Bằng, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo buôn Wing (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) rất vui khi cho biết: “Đúng vào dịp khai giảng năm học mới 2011-2012, nhà trường được trang bị một bộ đồ chơi liên hoàn ngoài trời đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ. Trước đó, từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, nhà trường đã được cấp một bộ đồ chơi vườn cổ tích cho trẻ 5 tuổi. Các phòng học cũng từng bước được cải tạo theo mô hình chuẩn, trang thiết bị phù hợp hơn tạo môi trường thuận lợi cho trẻ vui chơi, vận động, trải nghiệm và khám phá. Nhờ đó, việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở xã vùng ba duy nhất của Cư M’gar bớt khó khăn, Chương trình GDMN mới được triển khai thuận lợi hơn”.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng, toàn tỉnh đã xóa được 10 xã trắng về trường mầm non. Các trường có nhiều điểm lẻ đã được tách ra để thành lập trường mầm non mới, nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt cao với trên 70.000 cháu và có 1.174 lớp, nhóm trẻ học 2 buổi/ngày; trong đó gần 60% số cháu ở bán trú, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non theo chương trình mới.
Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Cư M’gar) luôn khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động theo ý thích, mang tính sáng tạo. |
Trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT ban hành, các trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường hiện có của mình. Đặc biệt, chú trọng nắm vững phương pháp xây dựng, phát triển chủ đề và xác định đúng mục tiêu chung giáo dục theo lứa tuổi. Mạng nội dung được xây dựng có chọn lọc từ kiến thức đơn giản, gần gũi đến mở rộng và nâng cao. Giáo viên đã chủ động xây dựng kế hoạch hàng tuần và chuẩn bị phương tiện, vật liệu cần thiết cho trẻ hoạt động, khám phá chủ đề thông qua các hoạt động như: thể dục, âm nhạc, tạo hình, múa hát, kể chuyện, làm quen với môn toán, chữ cái, môi trường xung quanh, trò chơi, giúp trẻ tiếp thu kiến thức và các kỹ năng cần thiết. Ở hầu hết các trường mầm non, môi trường hoạt động của trẻ được sắp xếp khoa học, nổi bật theo chủ đề, với từng hoạt động, mở ra cho trẻ cơ hội tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, chú ý xây dựng vườn trường tạo không gian thoáng mát, trở thành nơi tổ chức cho trẻ tiếp cận kiến thức, bảo đảm “học mà chơi, chơi mà học”. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường Mầm non huyện Krông Ana cho biết: “Không cứng nhắc, gò ép, đặc biệt không ôm đồm quá nhiều nội dung trong một hoạt động, giáo viên đã linh hoạt tổ chức các hoạt động xoay quanh chủ đề bằng cách phối hợp một cách tự nhiên những hoạt động cho trẻ trải nghiệm như quan sát, tìm hiểu môi trường tự nhiên, xã hội, vận động tham gia trò chơi… qua đó phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 2 năm thực hiện đại trà, Chương trình GDMN của tỉnh ta còn bộc lộ nhiều hạn chế: Không riêng gì giáo viên ở vùng khó khăn mà ngay cả vùng thuận lợi vẫn còn lúng túng với yêu cầu của Chương trình GDMN mới. Cụ thể một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa biết lập kế hoạch cho trẻ phù hợp với chủ đề và lứa tuổi; còn có sự nhầm lẫn giữa mạng nội dung và mạng hoạt động; thiếu kỹ năng tổ chức và tích hợp các hoạt động cho trẻ dẫn đến tích hợp một cách gượng ép, gò bó; việc đánh giá trẻ của nhiều giáo viên chưa tốt dẫn đến nặng nề, tốn thời gian. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do trường lớp có nhiều điểm lẻ và học ghép các độ tuổi nên đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện chương trình mới. Diện tích phòng học chật, tình trạng quá tải số lượng trẻ ở đa số các trường hiện nay khiến giáo viên khó tổ chức các hoạt động để phát huy tính tích cực của tất cả trẻ trong các nhóm lớp và càng khó để bảo đảm cho mỗi trẻ được tham gia các hoạt động. Bên cạnh đó, một số trường định biên giáo viên, nhân viên theo Thông tư liên ngành 71 giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục-Đào tạo không đủ số lượng dẫn đến cường độ lao động cao, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. “Những khó khăn trên chính là rào cản trong tiến trình đổi mới Chương trình GDMN mà nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm giữa gia đình, xã hội, một mình ngành Giáo dục sẽ khó hoàn thành mục tiêu 100% số trường thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non mới trong năm học 2012-2013”, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết.
Ý kiến bạn đọc