Những bất cập trong việc thực hiện BHYT học đường
09:44, 19/10/2011
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) xác định BHYT học sinh, sinh viên là loại hình BHYT bắt buộc được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong chăm sóc sức khỏe thế hệ trẻ, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất. Tuy nhiên, việc thực hiện BHYT bắt buộc vẫn còn những bất cập về chính sách, cơ chế.
Lợi ích thiết thực, chia sẻ rủi ro
BHYT cho học sinh, sinh viên không chỉ là hình thức đề phòng rủi ro, bệnh tật và tai nạn bất thường mà còn là biện pháp quan trọng giáo dục tính nhân đạo, lòng nhân ái, chia sẻ với nỗi bất hạnh của bạn bè và cộng đồng. Do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong học sinh, sinh viên và phụ huynh là điểm mấu chốt để thực hiện BHYT học sinh, sinh viên hiệu quả. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP. Buôn Ma Thuột) Nguyễn Thị Trâm cho biết: “Muốn phụ huynh, học sinh tích cực tham gia BHYT thì tuyên truyền phải gắn với thực tiễn trong trường, lấy người thật, việc thật để chứng minh lợi ích thiết thực của BHYT, từ đó thay đổi nhận thức phụ huynh, học sinh. Những năm gần đây, trong quy chế của trường, bên cạnh những yêu cầu bắt buộc, chúng tôi còn đưa thêm một yêu cầu nữa là chấp nhận mua các loại bảo hiểm học sinh. Yêu cầu này được 100% số phụ huynh và học sinh nhất trí, vì nhận thấy tính thiết thực của loại hình bảo hiểm này. Đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường trích quỹ “Tương thân, tương ái” hỗ trợ một phần BHYT cho các em”.
Lợi ích thiết thực, chia sẻ rủi ro
BHYT cho học sinh, sinh viên không chỉ là hình thức đề phòng rủi ro, bệnh tật và tai nạn bất thường mà còn là biện pháp quan trọng giáo dục tính nhân đạo, lòng nhân ái, chia sẻ với nỗi bất hạnh của bạn bè và cộng đồng. Do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong học sinh, sinh viên và phụ huynh là điểm mấu chốt để thực hiện BHYT học sinh, sinh viên hiệu quả. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP. Buôn Ma Thuột) Nguyễn Thị Trâm cho biết: “Muốn phụ huynh, học sinh tích cực tham gia BHYT thì tuyên truyền phải gắn với thực tiễn trong trường, lấy người thật, việc thật để chứng minh lợi ích thiết thực của BHYT, từ đó thay đổi nhận thức phụ huynh, học sinh. Những năm gần đây, trong quy chế của trường, bên cạnh những yêu cầu bắt buộc, chúng tôi còn đưa thêm một yêu cầu nữa là chấp nhận mua các loại bảo hiểm học sinh. Yêu cầu này được 100% số phụ huynh và học sinh nhất trí, vì nhận thấy tính thiết thực của loại hình bảo hiểm này. Đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường trích quỹ “Tương thân, tương ái” hỗ trợ một phần BHYT cho các em”.
Phụ huynh em Nguyễn Ngọc Trâm, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Quang Trung (huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Vừa qua, con tôi bị bệnh rất nặng, nếu không có BHYT học sinh thì với khoản tiền hơn chục triệu đồng chắc gia đình nông dân thuộc diện cận nghèo như chúng tôi khó lòng chi trả kịp thời để bảo toàn tính mạng cho con.”
Những bất cập khiến BHYT chưa thể... bắt buộc học sinh, sinh viên tham gia
Học sinh trường Tiểu học Phan Đình Phùng (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) một trong những đơn vị thực hiện tốt BHYT học đường. |
Những bất cập khiến BHYT chưa thể... bắt buộc học sinh, sinh viên tham gia
Trước đây BHYT học sinh, sinh viên là tự nguyện với mức đóng cố định tối thiểu 50.000 đồng/người/năm và có tính đến yếu tố vùng miền. Từ năm 2010, theo quy định Luật BHYT, học sinh, sinh viên trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Đây là cơ sở pháp lý đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trong những năm tới...
Năm học 2011-2012 là năm thứ 3 triển khai Luật BHYT bắt buộc với học sinh, sinh viên. Theo Luật, mức thu BHYT tự nguyện sẽ không tính mức đóng riêng cho từng khu vực thành thị, nông thôn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của từng vùng như trước. Thay vào đó, chỉ có mức trần chung cho tất cả (học sinh, sinh viên không thuộc diện nghèo, mồ côi, tàn tật… để hưởng chính sách ưu đãi) với mức đóng như nhau và dựa vào mức lương tối thiểu chung cao nhất. Hiện, học sinh, sinh viên phải đóng 3% lương tối thiểu; trong đó Nhà nước hỗ trợ là 30%. Như vậy, mỗi học sinh sinh viên phải đóng BHYT hơn 200.000 đồng/năm học (trước đó, khi Nhà nước chưa tăng mức lương tối thiểu, các em chỉ phải đóng 184.000 đồng). Tuy nhiên, thu nhập ở các thành phố lớn so với các huyện, lỵ, nhất là khu vực vùng cao, nhiều xã vùng sâu, vùng xa như tỉnh ta thì mức đóng hơn 200.000 đồng/năm đối với các gia đình làm nông, điều kiện kinh tế khó khăn, cận nghèo là cả một vấn đề.
Thêm vào đó, một bất cập nảy sinh là nếu trước đây tham gia BHYT tự nguyện, học sinh, sinh viên được chi trả 100%, thì nay, mỗi lần đi khám bệnh đối tượng này cũng phải cùng chi trả 20%. Phí tăng lại phải chi trả thêm, trước mắt đã thấy quyền lợi của học sinh, sinh viên bị giảm. Lý giải vấn đề này, một cán bộ Phòng BHYT, thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: mặc dù đối tượng cùng chi trả 20% nhưng đi kèm đó là những ưu đãi mà Nhà nước dành cho như: bệnh nhân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao, chi phí lớn mà không đòi hỏi phải có thời gian đóng bảo hiểm nhất định như khi tham gia BHYT tự nguyện trước đây.
Thực tế, để nhanh và tiện cho mình, phần lớn các trường hiện nay đều thu theo kiểu khoán gọn, gộp chung với các khoản khác ngay đầu năm học mới. Tiện cho trường, nhưng lại khiến các em học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể mất cơ hội thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bởi, đây là thời điểm các địa phương đang thực hiện rà soát, thống kê hộ nghèo và chưa thể có kết quả chính thức, nên chưa thể xác nhận cho đối tượng hưởng quyền lợi.
Anh Vũ Khánh Ngà thuộc diện hộ cận nghèo ở thôn 2, xã Cư Pui (Krông Bông) cho hay: “Nhà có 3 đứa con đều đang học từ lớp 4 đến lớp 9, giờ bắt buộc phải đóng BHYT học sinh, tưởng hộ thuộc diện cận nghèo thì giảm được chút ít, ai dè tính ra còn đóng nhiều hơn diện phổ thông 15.000 đồng. Với những hộ có kinh tế khó khăn như chúng tôi, kiếm được gần 700.000 đồng đóng BHYT cho 3 đứa con là việc không hề dễ”. Quả thật, đây là một bất cập nữa trong việc thực hiện chính sách BHYT học đường. Theo quy định, học sinh, sinh viên hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT, nhưng phải nộp trên tổng số 4,5% mức lương tối thiểu chứ không phải 3% như học sinh thông thường. Vì quy định bất hợp lý này nên đa số các hộ cận nghèo lại quay sang tham gia BHYT theo mức đóng thông thường cho con…
Cần có những chính sách hợp lý hơn
Chính vì những bất cập, vướng mắc trên nên trong năm học 2010-2011 toàn tỉnh mới có 136.000 học sinh, sinh viên đóng BHYT (chỉ đạt trên 50% tổng số học sinh, sinh viên thuộc diện tham gia). Đặc biệt, toàn tỉnh có đến 154.000 người thuộc diện cận nghèo, nhưng đến nay mới chỉ có 2.141 người tham gia BHYT (trong số này học sinh, sinh viên chỉ chiếm 1/3). Mặc dù Luật BHYT đề ra học sinh, sinh viên thuộc diện đóng BHYT bắt buộc, nhưng thực tế thì vẫn mang tính tự nguyện bởi chưa có chế tài xử lý phù hợp với các đối tượng không tham gia.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 4762, ngày 20-9-2011 về việc thực hiện BHYT đối với học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, chỉ đạo Sở GD&ĐT hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc; hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề triển khai thực hiện đảm bảo 100% học sinh, sinh viên thuộc phạm vi quản lý tham gia BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT. Sở GD&ĐT cũng đã có Công văn số 860 về việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2011-2012: quán triệt việc thực hiện BHYT tới từng trường học với các nội dung chủ yếu như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích việc tham gia BHYT; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện; thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện để kịp thời có những phương án giải quyết những vướng mắc, đảm bảo thực hiện đúng Luật BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đang trình UBND tỉnh Đề án nâng mức hỗ trợ BHYT cho học sinh, sinh viên lên 40% và mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo lên 70%... Với những giải pháp thiết thực hợp lý đó, hy vọng rằng năm học mới này 100% số học sinh, sinh viên sẽ tham gia BHYT đúng quy định của Luật. Người dân hãy coi việc tham gia BHYT cho con em vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mình...
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc