Multimedia Đọc Báo in

Những trăn trở của sinh viên sư phạm

17:53, 02/10/2011

Những năm gần đây, nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm; không ít người phải chấp nhận công việc không đúng ngành nghề đã học.

Có một thực tế là, các bộ môn như: Văn, Sử, Địa, Anh văn… lâu nay ở các trường nhìn chung số lượng giáo viên đã bão hòa, nhu cầu tuyển dụng rất ít, nên sinh viên sư phạm các bộ môn nói trên khi học xong ra trường phải lao đao tìm chỗ làm. Bên cạnh đó, mỗi năm, nhiều địa phương chỉ tuyển dụng một vài chỉ tiêu nên cuộc “chạy đua” vào biên chế của các giáo viên lại càng trở nên nan giải, khó khăn. Rồi những bất cập trong tuyển dụng khiến Ban Giám hiệu của không ít trường đau đầu khi bố trí chuyên môn bởi nhu cầu một đàng, cấp trên lại bổ sung giáo viên… một nẻo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thực trạng trên dẫn đến tình trạng bố trí không hợp lý trong phân công chuyên môn vì có môn học giáo viên đủ tiết, lại có môn học giáo viên không đủ tiết dạy theo quy định. Nhiều sinh viên sư phạm hiện nay phải đi tìm việc ở các tỉnh khác; thậm chí, có không ít người không xin được việc đành chật vật buôn bán ở chợ hoặc chấp nhận ở nhà  sản xuất nông nghiệp... Khó xin việc làm cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng đang diễn ra là các năm gần đây, nhiều học sinh khá giỏi sau khi tốt nghiệp THPT không thi vào ngành sư phạm, các trường ĐH, CĐ sư phạm ồ ạt hạ điểm chuẩn, chấp nhận điểm đầu vào chỉ lấy ở mức điểm sàn... để tuyển sinh. Nếu không có sự điều chỉnh, tương lai không xa, ngành sư phạm sẽ không có thầy giỏi để đứng lớp.

Sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của bản thân sinh viên mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác: tác động xấu đến chất lượng đầu vào của ngành sư phạm; gây lãng phí lớn ngân sách Nhà nước về chi phí đào tạo. Bài toán này xin để các nhà quản lý giáo dục giải quyết.

Nguyễn Trung Thu

Ý kiến bạn đọc