Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến năm 2015, 100% giáo viên được cung cấp máy tính giá rẻ

10:41, 06/10/2011

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan hoàn thiện nội dung dự thảo Chương trình máy tính giá rẻ, trình Chính phủ trước ngày 31-10-2011.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, nhu cầu sử dụng máy tính cũng như khả năng chi trả của giáo viên, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác, từ đó xác định quy mô của Chương trình và lộ trình triển khai thực hiện. Phấn đấu đến năm 2015, Chương trình này sẽ cung cấp máy tính giá rẻ tới 100% số giáo viên trong cả nước. Chương trình có thể triển khai nhiều giai đoạn. Trước mắt tập trung vào đối tượng giáo viên, học sinh, sinh viên. Ở giai đoạn tiếp theo, có thể mở rộng dần ra các đối tượng là công chức, viên chức, các hộ gia đình.

Ảnh minh họa

Về cấu hình máy tính, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng chi tiết cấu hình cũng như giá thành máy tính,bảo  đảm máy tính có cấu hình đáp ứng tốt nhất nhu cầu giảng dạy, học tập và giải trí phù hợp với từng đối tượng sử dụng, đồng thời có giá phù hợp với khả năng chi trả. Ưu tiên sử dụng hệ điều hành và phần mềm ứng dụng là các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, qua đó góp phần giảm giá thành và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu và phát triển phần mềm mã nguồn mở. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ khuyến khích và sẽ có chính sách hỗ trợ thích hợp đối với các tập đoàn, các doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ động nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án sản xuất và cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin giá rẻ phục vụ cộng đồng và xã hội.

Được biết, mục đích của Chương trình máy tính giá rẻ là giúp các giáo viên, học sinh, sinh viên có máy tính phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập; đồng thời nâng cao số hộ gia đình có máy tính, kích thích phát triển thị trường công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và giá trị thương hiệu máy tính của Việt Nam.

K.O (nguồn chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.