Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ ở Dak Lak: Còn đôi điều băn khoăn

08:43, 21/10/2011

Học sinh đã bước vào năm học 2011-2012 được hơn hai tháng. Cùng với gia đình, sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước cụ thể là thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (HSSV) theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ, sách vở, đồ dùng học tập của học sinh được bảo đảm. Tuy nhiên bên cạnh phần lớn cái được, vẫn còn đôi điều băn khoăn khi triển khai Nghị định này ở Dak Lak…

Chăm lo cho sự nghiệp của toàn dân – giáo dục
Năm học 2011-2012, mặc dù những chính sách hỗ trợ về giáo dục thuộc các Chương trình 135, 158 đã kết thúc, song với những học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu ở vùng khó khăn của tỉnh, Nghị định 49 của Chính phủ đi vào đời sống đã đem lại cho các em không ít niềm vui trong những ngày đầu năm học mới. Bởi, theo Nghị định này, các em được Nhà nước miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Cụ thể, Nghị định 49 xác định có 9 đối tượng thuộc diện được miễn toàn bộ học phí, gồm: người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em học mẫu giáo và HSSV có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em học mẫu giáo và HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại mất tích theo quy định tại điều 78 của Bộ Luật Dân sự hoặc không đủ năng lực để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hoặc trẻ em có cha (mẹ) đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước; trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; HSSV hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên); HS trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Bên cạnh đó, Nghị định 49 cũng quy định 2 mức giảm học phí 70% và 50% với từng loại đối tượng cụ thể. Đồng thời, bắt đầu từ năm 2011, tất cả các đối tượng nói trên đều được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập với mức hỗ trợ 70.000 đồng/tháng (thời gian hỗ trợ tối đa không quá 9 tháng).

Để hiện thực hóa Nghị định 49 và bảo đảm kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh được sử dụng đúng mục đích theo quy định trong Nghị định 49,  ngày 1-7-2011, UBND tỉnh đã có Công văn số 3197/UBND-VHXH hướng dẫn triển khai thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa, vở viết cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh tại các xã đặc biệt khó khăn phục vụ năm học 2011-2012. Đến ngày 25-7, UBND tỉnh tiếp tục có công văn số 3659 UBND-VHXH hướng dẫn triển khai thu học phí, cấp bù và hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV. Theo đó, trẻ em học mẫu giáo được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, học sinh phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) hỗ trợ bằng hiện vật và tiền mặt. Hiện vật gồm 1 bộ sách giáo khoa (SGK) và vở viết, tiền mặt là phần kinh phí còn lại sau khi đã trừ số tiền mua SGK và vở viết. Đồng thời, UBND tỉnh giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chịu trách nhiệm quản lý, chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh trên cơ sở danh sách số lượng và đối tượng có xác nhận của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi có hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản liên ngành, hướng dẫn thực hiện cấp sách giáo khoa, vở viết cho HS phổ thông. Theo đó, ngoài một bộ sách giáo khoa, mỗi HS sẽ được cấp thêm vở viết với số lượng theo nhu cầu của từng bậc học, cụ thể:  mỗi HS tiểu học được cấp 15 cuốn vở 96 trang, HS THCS là 20 cuốn và HS THPT là 25 cuốn. Không những thế, tại văn bản liên ngành này, các sở nói trên cũng yêu cầu các phòng trực thuộc có nhiệm vụ hướng dẫn các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, thống kê, lập danh sách HS thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập và xây dựng kế hoạch tiếp nhận, cấp phát sách giáo khoa, vở viết bảo đảm phục vụ kịp thời cho năm học mới.

Ảnh bên: Kiểm tra sách giáo khoa, vở viết trước khi cấp cho học sinh tại huyện Ea Kar.  Ảnh: K.O
Ảnh bên: Kiểm tra sách giáo khoa, vở viết trước khi cấp cho học sinh tại huyện Ea Kar. Ảnh: K.O
Để vẹn cả đôi đường
Không thể phủ nhận tính thiết thực của việc chuyển một phần kinh phí hỗ trợ thành sách giáo khoa, vở viết để cấp cho học sinh thay vì cấp hoàn toàn bằng tiền mặt. Quả thực, với cách làm sáng tạo, linh hoạt của tỉnh trong quá trình triển khai Nghị định 49 đã giúp cho rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn yên tâm bước vào năm học mới. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tổng số HS phổ thông được cấp sách giáo khoa, vở viết theo tinh thần của Nghị định 49 khoảng 160.000 em với kinh phí đã ứng cho Công ty Sách thiết bị trường học là 45 tỷ đồng (đạt khoảng 90% tổng giá trị). Song để chương trình đầy tính nhân văn ấy thực sự hiệu quả, vẹn cả đôi đường, dân có lợi, nhà nước hoàn thành trách nhiệm chăm lo cho dân thì vẫn còn có những băn khoăn. Bởi, trên thực tế, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng học sinh đã trang bị sách, vở cho năm học mới trước khi được nhận sách, vở hỗ trợ từ Nhà nước do thời điểm được nhận sách, vở hỗ trợ quá cận kề với ngày nhập học. Theo một số phụ huynh học sinh ở huyện Krông Pak, họ rất phấn khởi trước thông tin con em mình được hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/tháng, nên khi thấy chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều gia đình đã “tạm ứng” các khoản chi tiêu khác, thậm chí vay mượn của bà con, hàng xóm để mua sách, vở cho con em mình với dự tính đến khi nhận được tiền hỗ trợ chi phí học tập sẽ bù lại.

Đưa vấn đề này trao đổi với Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được biết, xung quanh việc cấp thẳng và hoàn toàn bằng tiền mặt hay vừa cấp tiền mặt, vừa cấp hiện vật, ban đầu tỉnh cũng có hai luồng ý kiến, đó là: nếu cấp tiền hoàn toàn theo đúng tinh thần của Nghị định nhưng từ trước đến nay học sinh dân tộc thiểu số đã quen được cấp phát sách, sợ khi được nhận tiền người dân sẽ không trang bị sách vở cho con em và như thế hiệu quả xã hội sẽ không cao; vừa cấp tiền, vừa cấp sách, vở cho HS phổ thông. Sau khi bàn bạc cụ thể, UBND tỉnh đã đồng ý với giải pháp thứ hai và có hướng dẫn thực hiện là Công văn 3197. Dẫu vậy đứng trước thực tế có không ít học sinh đã tự trang bị sách, vở cho năm học mới trước khi nhận được sách, vở hỗ trợ từ Nhà nước, Phòng Bảo trợ xã hội cũng thừa nhận việc triển khai cấp phát sách giáo khoa, vở viết cho HS trong năm học này thực hiện hơi muộn, song đến thời điểm khai giảng năm học mới việc cấp sách vở cũng đã cơ bản hoàn thành. Hiện các đơn vị đang tổ chức thống kê lại số sách đã cấp để quyết toán vì con số cấp phát đầu năm học chỉ là ước đoán.

Có thể nói, năm học 2011-2012 là năm đầu tiên Dak Lak triển khai việc cấp sách vở từ nguồn kinh phí hỗ trợ chi phí học tập nên không tránh khỏi những bất cập. Để đem lại hiệu quả thực sự của chương trình này trong những năm học tiếp theo, thiết nghĩ có thể dung hòa bằng cách điều tra nhu cầu thực tiễn, yêu cầu gia đình HS đăng ký sau đó sẽ quyết định nơi nào nên cấp tiền hoàn toàn, nơi nào thì vừa cấp tiền vừa cấp sách, vở.

Kim Oanh - Đàm Thuần

Ý kiến bạn đọc