Công tác giáo dục bộ môn Quốc phòng - an ninh ở Trường Đại học Tây Nguyên
Bộ môn Giáo dục Quốc phòng – an ninh (QP-AN) được đưa vào chương trình chính khóa từ năm học 2003-2004. Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (Trường Đại học Tây Nguyên) đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy, tạo được sự hấp dẫn cho sinh viên của nhà trường cũng như các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Học sinh, sinh viên sau khi học xong chương trình giáo dục QP-AN đều được trang bị những kiến thức cơ bản về lý thuyết và quân sự, bồi đắp lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được nâng cao.
Trường học... làm lính
Vừa “chân ướt chân ráo” nhập học khoa Tự nhiên và Công nghệ, ngay học kỳ I, Trần Doãn Hoàng cùng các bạn chung lớp đã được làm quen với bộ môn Giáo dục QP-AN. Mặc dù khóa học chưa chính thức khai mạc, nhưng ngay những ngày đầu chia lớp, mọi người ai cũng ngỡ ngàng trước cách chia lớp rất khác, không như thời phổ thông, bởi lớp học được biên chế theo trung đội, các tổ được gọi là tiểu đội. Tâm trạng lo lắng càng dâng cao khi cả lớp nghe cán bộ phổ biến qua thời gian biểu, gồm 11 chế độ sinh hoạt của quân nhân trong một ngày, với những ghi chú hết sức cụ thể, chi tiết. Ấy thế mà sau một tuần làm quen với môi trường kỷ luật trong quân đội, Hoàng cũng như các bạn đã dần thích nghi với môi trường mới. Hơn thế, mọi người lại có cảm giác hào hứng, thích thú khi mỗi ngày qua lại được khám phá những điều mới lạ, được sinh hoạt, học tập như những người lính thực thụ. “Ngay ngày đầu tiên, chúng em đã học cách sắp xếp nội vụ sau khi ngủ dậy. Nhìn những chiếc chăn được các chú bộ đội gấp vuông vức, gọn gàng, ai cũng thích mắt. Thế nhưng để làm được nhiều người phải tập gấp cả buổi mới được. Khi đã làm quen tay rồi thì thi nhau xem ai là người gấp đúng nhất, không khí rất rộn ràng, vui vẻ” - Hoàng nói. Còn bạn Phan Thị Thu Huyền, ngành kỹ thuật công nghệ điện tử thì lại tỏ ra đặc biệt hào hứng với những giờ thực hành phần quân sự, bài kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK. Trong giờ thực hành, Hà luôn là người xung phong tập 3 tư thế bắn nhiều nhất và luôn thực hiện đúng động tác. Mỗi lần xong đợt tập, Hà cảm nhận: “Lần đầu tiên cầm súng, tuy hơi run nhưng cảm thấy rất thú vị. Có học mới thấy sử dụng súng thật không đơn giản tí nào, không phải cứ “giương” lên, bóp cò là trúng, mà phải ngắm, dùng thước đo sao cho trùng với điểm bắn…. Nếu được một lần bắn đạn thật để biết cảm giác khi bắn thế nào thì hay biết mấy”. Riêng tại lớp học lý thuyết do thầy Lê Xuân Ký hướng dẫn, các sinh viên đang say sưa nghe thầy giảng bài “Phòng chống địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao” có minh họa bằng hình ảnh từ máy chiếu. Những tiếng xuýt xoa, trầm trồ, thán phục liên tục vang lên, khi máy chiếu quay lại những thước phim tư liệu trong các cuộc chiến tranh, mà bộ đội ta bằng trí thông minh, sự sáng tạo đã cải tiến, sử dụng những vũ khí thô sơ đánh bại vũ khí tối tân của địch.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên thực hành tư thế nằm bắn súng tiểu liên AK. |
Thượng tá Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng Ban đào tạo quản lý sinh viên của Trung tâm cho biết: Giáo dục quốc phòng-an ninh đã trở thành môn học chính khóa trong các trường đại học, cao đẳng từ năm học 2003-2004. Những năm gần đây, công tác tổ chức, giảng dạy bộ môn này ngày càng được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Nếu như trước kia, tâm lý sinh viên khi tham gia học môn này chỉ dùng để đối phó, học để đủ điều kiện thi tốt nghiệp thì nay sinh viên đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học này, tham gia học tập với thái độ tích cực, tinh thần nghiêm túc, tỷ lệ sinh viên sau khi kết thúc môn học đạt khá, giỏi luôn tăng cao, từ 7,4% năm 2004 lên 25,9% năm 2011 (đối với loại giỏi) và từ 30% lên đến 55% đối với loại khá. 100% sinh viên qua khóa học đều được trang bị những kiến thức cơ bản về đường lối quân sự, quốc phòng-an ninh của Đảng và những kỹ năng quân sự, cần thiết đáp ứng yêu cầu xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đặc biệt sinh viên được giáo dục sâu về truyền thống đấu tranh bất khuất, chống giặc ngoại xâm của cha ông ta qua hằng nghìn năm dựng nước và giữ nước; qua đó thêm tự hào về lịch sử đất nước và ý thức hơn về trách nhiệm, bổn phận của trí thức trẻ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để có được những kết quả trên, ngoài việc không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, củng cố, xây dựng hệ thống thao trường, bãi tập, đáp ứng nhu cầu dạy đội ngũ cán bộ Trung tâm đã luôn tìm tòi đổi mới phương pháp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào giảng dạy. Việc học tập, rèn luyện được kết hợp với những hoạt động ngoại khóa, những đợt hành quân thực tế đã kích thích sinh viên học tập, phát huy tính tự giác, rèn luyện tinh thần kỷ luật, tính tổ chức. Những giờ thực hành vất vả nhưng đầy lý thú như tập đội hình, đội ngũ, huấn luyện những động tác cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, tìm hiểu về súng AK, thực hành các tư thế vận động trên chiến trường… Hay như những giờ học lý thuyết súc tích, cô đọng, sinh viên đóng vai trò như một quân nhân thực thụ khiến các em rất hứng thú khi tham gia môn học này. Em Lê Thị Loan tâm sự: “Một tháng sống trong môi trường đúng nghĩa quân đội là những ngày ý nghĩa đối với sinh viên chúng em. Qua tiếp thu các nội dung của khóa học, được rèn luyện như những quân nhân thực thụ, chúng em đã xây dựng cho mình nếp sống kỷ luật, tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể và trách nhiệm cộng đồng. Qua đó thấy mình chững chạc, trưởng thành hơn, nhận thức trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng được nâng cao hơn”.
Ý kiến bạn đọc