Multimedia Đọc Báo in

Những lưu ý khi dạy học sinh dân tộc thiểu số học môn tập làm văn

09:29, 25/11/2011

Một “cố tật” khá phổ biến ở học sinh nói chung, học sinh dân tộc ít người nói riêng khi làm bài tập làm văn là thường bắt chước các bài trong các tài liệu tham khảo gọi là văn mẫu, văn hay, văn chọn lọc… (Các sách này được bán tràn lan ở các hiệu sách, nhà sách. Chất lượng những cuốn sách này như thế nào còn là vấn đề phải bàn). Thậm chí nhiều em còn sao chép nguyên xi các bài văn ấy một cách sống sượng. Với học sinh người dân tộc thiểu số, việc bắt chước, sao chép các bài văn như vậy càng trở nên ngô nghê thậm chí phản cảm, không thể chấp nhận được.

Ví dụ: khi làm bài tập làm văn Kể về một người thân của em (Văn tự sự lớp 6), có những em người Êđê đã kể về bà mình trong những buổi tối mùa hè hay bắc chõng tre ra ngoài sân kể cho em nghe truyện Tấm Cám. Hoặc khi tả về một người thân trong gia đình, có em đã tả mẹ em… thường mặc áo dài trông rất duyên dáng! Còn khi kể về sự đổi mới ở quê em, có những em đã viết về quê mình hệt như một làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ. Tất cả những lỗi ấy là do các em bắt chước, sao chép trong các tài liệu tham khảo.
Để tránh tình trạng ấy, thông qua những giờ dạy của mình, giáo viên cần phân tích cho học sinh thấy văn chương có thể hư cấu, tức là được phép “bịa”. Nhưng dù hư cấu đến đâu cũng phải hợp lý, phải dựa trên cơ sở thực tế. Như ở Tây Nguyên thì không thể có lũy tre, dòng sông, con đê…như ở đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó hướng cho các em phải viết về chính thực tế cuộc sống của mình, tuyệt đối không sao chép, bắt chước những bài văn của người khác. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Một cách khác để tránh tình trạng trên là khi ra đề tập làm văn, giáo viên không nên lấy nguyên văn đề đã có trong sách giáo khoa hoặc ra đề một cách chung chung mà cần phải có sự thay đổi câu chữ, ý tứ cho phù hợp với đối tượng học sinh (đây cũng là một cách giảm tải nội dung chương trình). Ra đề sao cho học sinh phải tự mình làm, bài viết của các em phải gắn liền với cuộc sống ở buôn làng, gắn với thực tế, hoàn cảnh sống. Ví dụ: khi ra đề văn tự sự kể chuyện đời thường ở lớp 6, sách giáo khoa có đề văn là Kỷ niệm ngày thơ ấu, giáo viên nên thay đổi cho phù hợp, có thể là: Tuổi thơ em có nhiều kỷ niệm gắn bó với buôn làng, núi rừng, nương rẫy. Hãy kể lại một kỷ niệm đáng nhớ đó. Hoặc ở lớp 7 có đề văn biểu cảm Loài cây em yêu, nên thay đổi thành một đề cụ thể hơn: Cây cà phê em yêu. Tương tự, ở lớp 8 khi ra đề bài thuyết minh về một loài cây thì nên chọn cây cà phê, cây kơ-nia… để học sinh làm bài thuyết minh chứ không nên chọn các đề thuyết minh về cây lúa, cây tre đã có sẵn trong các tài liệu. Hoặc ở lớp 9, có đề văn nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, giáo viên nên sửa lại đề cho cụ thể hơn để học sinh định hướng được là phải viết về hiện tượng đó ở buôn làng, thôn xóm mình chứ không viết về môi trường một cách chung chung. Như vậy bài viết của các em sẽ hiệu quả và thiết thực hơn.

Mục đích của các biện pháp này là nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, tránh được việc các em bắt chước các bài văn có trong tài liệu tham khảo; vừa có thể đánh giá được thực chất năng lực làm bài văn vừa tạo được sự hứng thú trong học tập cho các em. Và đó cũng là một cách góp phần giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Hoàng Minh Sơn

Ý kiến bạn đọc