Multimedia Đọc Báo in

Điển hình trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện” vùng ven đô

15:25, 11/12/2011

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã có một cơ sở thật khang trang nằm trên khuôn viên rộng hơn 5.600 m2 thoáng mát, với  3 dãy nhà kiên cố, trong đó có 18 phòng học, 1 dãy nhà hiệu bộ với đầy đủ các phòng chức năng. Bàn ghế, bảng chống lóa và đồ dùng phục vụ dạy và học được trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, sau khi thực hiện cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đã  cắt tỉa những cây to, bụi rậm che khuất ánh sáng tự nhiên bảo đảm 100% phòng học đủ ánh sáng cho học sinh học tập, trang bị bàn ghế phù hợp với lứa tuổi; tạo cho sân trường có nhiều cây bóng mát; hệ thống nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Nhà trường xây dựng 1 phòng y tế với đủ cơ số thuốc và có nhân viên theo quy định; tổ chức cho các lớp xây dựng bồn hoa, cây cảnh;  có đủ nước sạch và xà phòng cho học sinh rửa tay; có đủ nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh… Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức học sinh vệ sinh phòng lớp, phân công các lớp trực vệ sinh hằng ngày, tổ chức thu gom, phân loại rác sau mỗi buổi học… Chính những việc làm đó đã góp phần tích cực xây dựng ngôi trường thật sự “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Một giờ dạy thực hành theo phương pháp đổi mới giáo dục lớp 4 Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt - xã Ea Tu.
Một giờ dạy thực hành theo phương pháp đổi mới giáo dục lớp 4 Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt - xã Ea Tu.

Với 560 học sinh, gồm 18 lớp, trong đó con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36%, những năm học qua chất lượng giáo dục của nhà trường luôn được nâng cao và đã đạt được nhiều thành tích trong dạy và học. Nhà trường có 29 cán bộ giáo viên, đến nay 100% giáo viên đã được chuẩn hóa, trong đó có 9/21 giáo viên đạt trên chuẩn, có 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 6 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Trong 4 năm học gần đây, nhà trường luôn duy trì sĩ số học sinh đạt 100%, tỷ lệ học sinh được nhận xét đầy đủ 4 mặt về hạnh kiểm đạt 96%, tỷ lệ lên lớp đạt 98%, tỷ lệ học sinh học lực đạt khá và giỏi chiếm hơn 40%.
Phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, còn được Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt lồng ghép trong nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể “Đêm hội trăng rằm”, “Diễn đàn cho trẻ em tại cộng đồng” “Đọc hay, viết đẹp”, “Hội thi hát dân ca”, giao lưu “Thắp sáng ước mơ”; tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, các trò chơi dân gian truyền thống. Có thể nói, những hoạt động này đã mang lại hiệu quả thiết thực, các em được bổ trợ kiến thức mới, phát triển trí tuệ, khẳng định mình trong mọi hoạt động cũng như được rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, ứng xử các tình huống trong cuộc sống, có ý thức phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Bên cạnh đó, học sinh của trường còn tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Không chỉ quan tâm đến chất lượng giáo dục đào tạo, nhà trường luôn quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết của tập thể, các tổ chức xã hội. Nhiều năm liên tục, nhà trường đã đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, Chi bộ Đảng và các đoàn thể đạt “trong sạch vững mạnh”. Với những kết quả đó, tháng 9-2011 Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đã được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; được đánh giá là điển hình tiêu biểu về thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở TP. Buôn Ma Thuột.

Xuân Hậu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.