Thanh lịch học đường
Đã lâu lắm, dễ tới gần 20 năm mới lại có một hội thi thanh lịch dành cho tuổi học đường. Với Thành Đoàn Buôn Ma Thuột thì cuộc thi “Học sinh thanh lịch 2011” chắc chắn là lần đầu tiên.
Số đơn vị tham gia tuy không nhiều, chỉ có 24 thí sinh nam nữ của 8 trường THPT và 5 trường trung cấp, cao đẳng và Trung tâm GDTX, chưa đủ tất cả các trường trung học, lẫn cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong phạm vi thành phố, nhưng không khí hội thi vẫn thật sôi nổi.
Có bốn nội dung thi: trang phục học đường, trang phục tự chọn, năng khiếu và ứng xử.
Khác với các cuộc thi “Người đẹp” cả nam và nữ, thanh lịch đòi hỏi không chỉ đẹp ở gương mặt, hình thể và phong cách trình diễn , mà còn tỏ rõ sự thanh và lịch trong cả đi đứng, ăn nói lẫn trang phục phù hợp với từng môi trường giao tiếp, thời điểm diễn ra sự kiện. Và không chỉ đẹp, duyên dáng mà còn khỏe mạnh, phù hợp với sức sống của tuổi trẻ. 12 đôi nam thanh nữ tú của các trường, trong hai phần thi trang phục phần nào đã thể hiện tốt được điều này.
Trang phục học đường tưởng như là phần thi không hấp dẫn, vì tính đơn giản có phần đơn điệu của màu sắc, nhưng sự trình diễn ăn ý của các cặp đôi đã cân bằng được cảm giác tâm lý. Và Hồ Thị Minh Trang, học sinh Trường THPT Trần Phú, với gương mặt tươi sáng và vẻ đẹp hình thể gọn gàng, khỏe mạnh, phong cách trình diễn trẻ trung, duyên dáng đã chinh phục Ban giám khảo để giành giải “Thí sinh đẹp nhất trong trang phục học đường”.
Nếu như trong một vài cuộc thi thanh lịch đã từng có trước đây, trang phục dạ hội là sự lựa chọn phổ biến, thì cuộc thi lần này các thí sinh chú ý nhiều hơn đến lễ phục dân tộc, kể cả trang phục của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt là áo dài, vẻ đẹp độc đáo của phụ nữ Việt Nam, đã được tôn vinh một cách xứng đáng. Không chỉ thêm khăn vành dây theo kiểu Nam Phương Hoàng hậu; áo dài không cổ kiểu Trần Lệ Xuân mà thú vị hơn khi còn có cả sự kết hợp giữa các chi tiết hoa văn đặc trưng Việt lẫn Êđê. Quả thật, khán giả không thể không cất lời trầm trồ khi chiêm ngưỡng các thí sinh xuất hiện với vẻ kiều diễm của cả gương mặt, hình thể lẫn những bước đi uyển chuyển trong tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam. Thí sinh Trần Minh Như Hoa chinh phục được cả những ai khó tính hay hiện đại nhất, khi thanh thoát, tự tin mà không kém phần yểu điệu trong chiếc áo dài nhung đen với các dải hoa văn thuần Việt hài hòa cùng mảng khuy đồng đại bàng giang cánh đặc trưng trên chiếc áo Êđê và chiếc quạt lông chim công, để mang về cho Trường THPT Phú Xuân giải thưởng giành cho thí sinh có “Trang phục tự chọn đẹp nhất”.
(Ảnh minh họa) |
Không kém phần hấp dẫn là phần thi năng khiếu. Tài năng có đủ cả trong hát, múa, hội họa, đàn ghi-ta, nhảy hiện đại lẫn ảo thuật… Múa là phần nổi trội nhất của hội thi: các thí sinh mang đến không chỉ những điệu múa Tây Nguyên đầy bí ẩn (Hồn chiêng), múa Nam bộ khéo léo và mềm mại như con nước những dòng sông (Hương sắc Cửu Long), sự uyển chuyển của múa quạt (Trung Hoa), múa bụng (Ấn Độ), đầy cá tính trong điệu nhảy Digan, đều rất điêu luyện...mà còn cả nhảy hiện đại (hip hop), quốc tế vũ (tango)… Những thí sinh lựa chọn thi hát hầu hết chưa thật sự thành công (bởi có em không có giọng, có em hát sai nhạc, không chuẩn cả cao độ lẫn tiết tấu, hát tiếng Anh thì rõ lời, nhưng tiếng Việt nghe… không hiểu nội dung gì), nhưng vẫn có thí sinh tạo được ấn tượng khi trình bày bài hát cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt và tự đệm đàn ghi-ta rất điệu nghệ. Hai tiết mục năng khiếu “không giống ai” là vẽ chân dung tại chỗ (Trường Trung cấp Trường Sơn) rồi tặng ngay lại cho giám khảo và màn ảo thuật (Trường THPT Buôn Ma Thuột). Khán giả (đa số là “gà nhà”) nghiêng về ủng hộ hết cỡ cho “Ảo thuật gia” làm mới mẻ sự lựa chọn của sân khấu hội thi. Vì thế, giải “Năng khiếu xuất sắc nhất” được trao một cách xứng đáng cho “cô gái Tây Nguyên” Nguyễn Thị Quỳnh Chi của Trường THPT Hồng Đức.
Phần thi được coi là sự trông đợi của cả Ban tổ chức, Ban giám khảo lẫn khán giả trẻ là thi ứng xử. Bởi ở đây mới bộc lộ được vẻ đẹp tâm hồn của các thí sinh. Ban giám khảo và khán giả hài lòng với sự thông minh và trình bày lưu loát của một vài thí sinh. Ví dụ như trong trang phục thể thao, thí sinh được giám khảo hỏi về “ Hành trang chuẩn bị vào đời” đã tự tin trả lời rằng “ ngoài nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, thì còn rất cần phải có sức khỏe mới học tập, rèn luyện và cống hiến được tốt”. Hoặc trong lễ phục áo dài, em Phan Trần Mỹ Linh (Trường THPT Chu Văn An) không chỉ nêu được tính truyền thống, sự phát triển mà còn cả sự tôn vinh hiện tại đối với vẻ đẹp đặc biệt trong trang phục của người phụ nữ Việt Nam. Giải thưởng “Ứng xử hay nhất” được trao cho Mỹ Linh là điều đạt được sự đồng thuận rất cao ở cả Ban giám khảo lẫn khán giả.
Tuy nhiên, đây cũng là phần có nhiều sạn nhất trong hội thi. Có thí sinh thật ấn tượng trong trang phục thì lại lúng túng, không trả lời hết câu hỏi - được cho là rất dễ, vì chỉ là nêu quan điểm, nhận thức của cá nhân các em trong những vấn đề văn hóa, xã hội được đưa ra mà thôi. Dường như cũng có sự chuẩn bị của thầy cô cho các em nên có giám khảo hỏi hai thí sinh cùng một câu, các em trả lời tương tự như nhau; rất may là bạn trả lời sau phát triển “ hơi được” một chút. Đa số các thí sinh trả lời như thuộc bài bởi không thể phát triển được ý đồ lẫn kiến thức đã học của mình (ví dụ như về môn học lịch sử, thí sinh thấy cần thiết phải học, nhưng chỉ nêu được kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà quên những chiến công lừng lẫy chống Tàu của nghìn năm Bắc thuộc…).
Cho dẫu còn một vài sự lúng túng trong công tác tổ chức, lẫn phần trình bày của các thí sinh thì Hội thi “ Học sinh thanh lịch 2011” vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong tuổi trẻ học đường Buôn Ma Thuột, để các em hy vọng 1-2 năm /lần lại được cùng bạn bè náo nức chuẩn bị tham gia. Không lý gì nguyện vọng chính đáng và lành mạnh ấy của tuổi trẻ lại không thể thực hiện được phải không?
Ý kiến bạn đọc