Trường THPT Lak với những nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học
Với mục tiêu không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới quản lý giáo dục và tăng cường kỷ cương nền nếp trong dạy và học…, những năm qua Trường THPT Lak luôn được đánh giá là một trong những đơn vị tiên tiến của ngành giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm học 2011-2012, toàn trường có 35 lớp với tổng số 1.575 học sinh, trong đó có 657 em là người dân tộc thiểu số. Vì là ngôi trường THPT duy nhất trên địa bàn huyện nên việc đi lại, học tập của các em học sinh gặp không ít khó khăn, nhất là đối với trường hợp các học sinh ở những xã vùng sâu, vùng xa… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sĩ số cũng như bảo đảm chất lượng dạy và học. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến mỗi học sinh cũng như đối với phụ huynh học sinh. Với nhận thức không thể để học sinh bỏ học giữa chừng, lãnh đạo nhà trường đã phân công cụ thể trách nhiệm và “giao khoán” chỉ tiêu thi đua hằng năm đối với giáo viên chủ nhiệm về việc duy trì sĩ số học sinh. Đối với những đối tượng là học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa…, nhà trường đã hết sức tạo điều kiện bằng cách sắp xếp cho các em ở bán trú tại trường để thuận tiện cho việc học. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm thực hiện đúng, đầy đủ chủ trương chung của Nhà nước về cấp phát chế độ cho học sinh là đối tượng chính sách như: cấp phát sách giáo khoa, vở, viết, học bổng… Nhờ những sự hỗ trợ kịp thời đó cùng với sự động viên nhiệt tình, trách nhiệm của các thầy cô nên nhiều em đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân để tiếp tục đến trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học những năm gần đây cũng ngày càng giảm xuống rõ rệt. Riêng từ đầu năm đến nay trường không có học sinh nào bỏ học.
Cùng với trách nhiệm “giữ chân” học sinh thì nhiệm vụ quan trọng nhất và luôn được Ban giám hiệu cũng như các thầy cô trong trường đặt lên hàng đầu chính là nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh. Để làm được điều đó thì yêu cầu tiên quyết chính là nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên. Do đó, mặc dù lực lượng giáo viên đang còn thiếu nhưng Ban giám hiệu nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để cán bộ giáo viên có điều kiện học tập, nghiên cứu thêm nhằm phục vụ công tác giảng dạy. Trong số 70 cán bộ trực tiếp giảng dạy tại trường hiện tại thì có đến 7 người đang theo học thạc sĩ, 1 thạc sĩ và 63/63 giáo viên đạt chuẩn.
Nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, thầy hiệu trưởng Hoàng Đức Sản chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng giáo dục về văn hóa, về đạo đức thì trước hết mỗi giáo viên phải là một tấm gương sáng để các em học sinh noi theo. Thực tế ở trường trong nhiều năm qua, chúng tôi đã không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục và tăng cường kỷ cương nền nếp trong dạy và học. Bên cạnh việc phân công giáo viên bám sát nội dung giảng dạy theo chương trình của Bộ, chúng tôi cũng thường xuyên tăng cường giám sát chặt chẽ chương trình giảng dạy và giờ lên lớp của giáo viên. Vào đầu mỗi năm học, Hội đồng nhà trường luôn đề ra chỉ tiêu thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, hằng năm mỗi giáo viên phải có ít nhất 1 sáng kiến đổi mới. Nhờ đó, giáo viên đã chủ động vận dụng, phối hợp các phương pháp giảng dạy để phát huy tối đa tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh… Chất lượng của mỗi tiết học, từng môn học cũng dần được cải thiện đáng kể”.
Thầy Hoàng Đức Sản cũng tự tin cho biết, nhà trường đang xây dựng đề án để phấn đấu từng bước xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của tập thể giáo viên trong trường vẫn chính là “thầy dạy tốt – trò học tốt”. Và để thực hiện tốt mục tiêu này, nhà trường luôn động viên nhau đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của người thầy giáo; cùng nhau thực hiện tốt các phong trào thi đua dạy tốt và học tốt, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của ngành như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức tự học và sáng tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua trong học sinh như: “Học tập tốt, lao động tốt”; “Học sinh chăm ngoan, lễ phép, chuyên cần”…
Ý kiến bạn đọc