Nghĩ về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời hội nhập
20:19, 07/01/2012
Đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện kéo theo sự du nhập tiếng nước ngoài vào kho từ vựng tiếng Việt. Đó là một tất yếu khách quan, chứng minh về mối quan hệ giữa sự phát triển đất nước với tiếng nói dân tộc.
Sự diễn tiến nhanh chóng và mạnh mẽ của tiếng Việt những năm gần đây quả là một dấu hiệu của sự tiến bộ. Nhưng tiến bộ ấy cũng không thể không gây nên ít nhiều tình trạng lủng củng trong cơ cấu của tiếng Việt hiện nay.
Trước hết, về phần từ vựng, sự trà trộn của tiếng Anh trên báo chí tiếng Việt với mật độ dày đặc. Điều dễ nhận thấy là nhiều trường hợp chúng được sử dụng nguyên dạng: diva, videoclip, teen… Mặt khác, lớp từ mới về khoa học kỹ thuật, công nghệ, tài chính ngân hàng… dùng phổ biến ở nước ngoài đã được đưa vào nước ta: con chíp, ổ cứng, trực tuyến, số hóa, lên sàn, giao dịch chứng khoán, thẻ tín dụng… mà nhiều người dân Việt chưa quen.
Rèn luyện cách đọc và viết cho học sinh là một trong những phương pháp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ảnh minh họa |
Về cấu trúc ngữ pháp, nhiều câu tiếng Việt đã mượn hình thức diễn đạt của tiếng Anh: “được sản xuất bởi…”, “được tài trợ bởi…”…
Sự lủng củng của tiếng Việt ở trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan: xu hướng toàn cầu hóa về đời sống kinh tế xã hội kéo theo xu hướng quốc tế hóa về ngôn ngữ. Trong tiến trình toàn cầu hóa, tiếng Anh đã trỗi dậy và trở thành ngôn ngữ quốc tế. Nó được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở mọi quốc gia (80% văn bản về khoa học công nghệ được công bố và xuất bản bằng tiếng Anh; trên 70% bưu kiện được gửi đi bằng tiếng Anh; 90% giao dịch thương mại quốc tế sử dụng tiếng Anh – theo Hoàng Anh – xu hướng quốc tế hóa trong ngôn ngữ báo chí tiếng Việt, tạp chí “Lý luận chính trị và truyền thông” số 6-2011). Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự xâm nhập sâu vào đời sống xã hội của các ngành tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ (kể cả dịch vụ truyền thống Internet, phát thanh, truyền hình, điện thoại di động… đã làm tăng kho từ vựng tiếng Việt. Trong đó, nhiều từ nước ngoài đưa vào dạng “thô” hoặc “chế biến” thành “ngôn ngữ sành điệu” không quen với lối tư duy và lỗ tai người Việt!
Về chủ quan: hiện tượng lạm dụng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh trên báo chí ở nhiều bài viết đã làm mất đi các giá trị biểu đạt độc đáo và tinh tế của tiếng Việt.
Ngày nay, ít người lên tiếng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (có chăng là những ngày gần đây ồn ào quanh cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”!). Báo chí từ lâu vắng mục “dọn vườn”…
Công bằng mà nói, những năm gần đây, xã hội ít coi trọng khoa học xã hội và nhân văn – nhất là các môn văn, sử. Từ đó kéo theo sự suy giảm ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong cộng đồng xã hội. Điều này đã được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn cảnh báo.
Sự bổ sung tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh vào kho từ vựng tiếng Việt làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú nhưng không khỏi có những hệ lụy cần bàn. Đó là, từ ngữ tiếng Anh trong nhiều trường hợp là sự thách đố với nhiều người – nhất là những từ sử dụng nguyên dạng. Nên chăng, người viết cần phiên âm, dịch nghĩa ra tiếng Việt để người đọc dễ hiểu như việc đưa tiếng Hán, tiếng Pháp vào các văn bản trước đây?
Việc lạm dụng tiếng Anh ảnh hưởng tới vị thế của tiếng Việt, giảm sự trong sáng của tiếng Việt và gây thói quen sử dụng ngôn ngữ pha trộn mà thời Pháp thống trị trước đây nhiều người gọi là “ngôn ngữ giả cầy” (ví dụ: cách nói về con hổ lọt vào vườn nhà từ một người làm vườn với viên Công sứ Pháp: “Lúy tí ti dôn, tí ti noa, lúy gầm, lúy gừ, lúy măng-dê me xừ, lúy măng-dê cả moa” (Nó tí ti vàng, tí ti đen, nó gầm, nó gừ, nó xực ông, nó xực cả tôi). Vậy mà ông Tây thuộc địa hiểu, rồi há hốc miệng, vung tay lên trời và chỉ nói được hai chữ: “Untigre?” (một con hổ à?) rồi té xỉu).
Hiện tượng pha trộn tiếng Anh với tiếng Việt trong cách nói, cách viết của nhiều bạn trẻ hiện nay đáng để mọi người – nhất là các nhà giáo, các bậc phụ huynh quan tâm uốn nắn.
Nên chăng, ngành giáo dục, các cơ quan báo chí phát động phong trào “tôi yêu tiếng nước tôi” như tên gọi chương trình văn nghệ chào mừng “Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài” mới đây tại Đà Lạt nhằm giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt – “một thứ tiếng đẹp”, “một thứ tiếng hay” được không chỉ người dân Việt Nam, mà cả bạn bè quốc tế thừa nhận.
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc