Multimedia Đọc Báo in

Các trường phổ thông dân tộc nội trú: Tăng cường giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số

06:53, 21/02/2012

So với nhiều tỉnh miền núi, trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh được đầu tư khá đồng bộ, khang trang. Dưới mái trường này, các em không chỉ được trang bị kiến thức, bồi dưỡng về văn hóa, thể chất mà còn được giáo dục kỹ năng sống để sau này trở thành những công dân có ích.

 Hình thành thói quen tự học giúp học sinh đạt kết quả cao trong học tập.
Hình thành thói quen tự học giúp học sinh đạt kết quả cao trong học tập.

Giáo dục học sinh những việc nhỏ, cụ thể nhất...
Giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (HS) là việc làm không mới ở các trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên từ năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT có quyết định triển khai đại trà môn kỹ năng sống trong nhà trường, các trường PTDTNT đã tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức bên cạnh giáo dục lòng yêu nước và truyền thống văn hóa dân tộc cho HS. Cô Nguyễn Thị Như Ý, Trường PTDTNT huyện M’Drak chia sẻ: “Đi học nội trú thực sự là một thử thách với những "tân binh" khi bước vào lớp 6 - năm đầu tiên đến với trường. Không ít cô, cậu học trò đã khóc suốt đêm vì nhớ nhà, nhớ bố, mẹ tưởng chừng không thể trụ lại để học tập. Nhưng bằng tình thương yêu, đùm bọc của các anh chị cùng phòng và sự dìu dắt của thầy, cô giáo đã giúp các em sớm hòa nhập và trưởng thành”.

Hơn 10 tuổi các em đã phải bắt đầu cuộc sống mới, xa vòng tay yêu thương, chăm sóc của bố mẹ và mọi sinh hoạt hoàn toàn khác với khi ở nhà. Vì vậy, việc làm đầu tiên của nhà trường sau khi tiếp nhận HS là tổ chức giáo dục, rèn luyện nền nếp, tác phong nhằm tạo thói quen cho các em. Các thầy, cô giáo đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn HS từ những việc nhỏ  như: cách chào hỏi người lớn, thầy, cô giáo, bạn bè; cách xưng hô với các anh, chị lớp trên, thậm chí cả việc xếp chăn, màn, giữ gìn vệ sinh thân thể, giữ gìn vệ sinh chung… Nhờ đó, các em nhanh chóng vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, chấp hành tốt nội quy của trường, hình thành tác phong nhanh nhẹn, gọn gàng, ngăn nắp.

Để công tác giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho HS đạt hiệu quả cao, nhà trường đã tổ chức kết nghĩa giữa các khối, lớp để anh, chị lớp trên hướng dẫn các em lớp dưới làm quen với môi trường sống tập thể, chấp hành tốt nề nếp, tôn trọng mọi người. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức giao lưu với các trường THCS trên địa bàn nhân các ngày lễ lớn trong năm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh giúp HS mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin, chủ động học tập.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng trồng rau, góp phần cải thiện bữa ăn.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng trồng rau, góp phần cải thiện bữa ăn.

Trao quyền chủ động cho học sinh
So với các trường THPT khác, môi trường nội trú là điều kiện thuận lợi để các trường PTDTNT đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện cho HS. Không bó hẹp trong phạm vi các bài giảng trên lớp, các trường đã  xây dựng môi trường giáo dục tốt - rộng lớn là xã hội và nhà trường, phạm vi hẹp là gia đình và lớp học - để HS được học tập, rèn luyện. Từ các hoạt động ngoài giờ lên lớp rất đa dạng như trồng rau xanh, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao… đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh giúp HS rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống; thói quen và kỹ năng làm việc theo nhóm. Một điều đặc biệt, trong các hoạt động ngoại khóa, giáo viên trao quyền chủ động cho HS thực hiện, sáng tạo, nhờ đó các em được thử thách, trải nghiệm. Thầy Nguyễn Văn Bông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kỹ năng sống Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng nói: “Giáo viên không trực tiếp làm mà chỉ hướng dẫn, gợi ý những phần việc, chủ đề cho HS thực hiện. Ban đầu các em còn ngần ngại, nhưng  được sự động viên kịp thời  của giáo viên, cán bộ Đoàn nên đã mạnh dạn đề xuất ý kiến, thể hiện năng lực, sự sáng tạo của bản thân.

Để giúp HS dân tộc thiểu số vượt qua những hạn chế như tự ti, mặc cảm, ngại nói, ngại tiếp xúc, nhất là thụ động trong học tập… thầy, cô giáo ở Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng đã hướng dẫn các em xây dựng  thời gian biểu khoa học để phát huy tốt quỹ thời gian; hướng dẫn làm quen với phương pháp tự học, cách đọc, cách ghi chép. Đặc biệt tổ chức - quản lý tốt giờ tự học giúp HS nâng cao tính tự giác, tích cực, chủ động học tập. Thầy Hoàng Nghĩa Đào, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng cho biết: “Ba năm trở lại đây, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng việc tổ chức - quản lý giờ tự học buổi tối của HS bằng cách bố trí giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trực quản lý nội trú trong thời gian tự học (từ 19 giờ đến 22 giờ hằng ngày), tăng cường kiểm tra sĩ số, cải thiện môi trường học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục trên cả hai mặt hạnh kiểm và học lực của trường được nâng lên. Năm học 2008-2009, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng có tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp đạt 80,7% và 59,6% HS đỗ đại học, cao đẳng. Năm học 2010-2011, có 100% HS đỗ tốt nghiệp và 86% HS đỗ đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều em đỗ vào 2 trường đại học uy tín”.

Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 2.782 HS dân tộc thiểu số được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 13 trường PTDTNT cấp huyện và Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng. Hiện nay tất cả các trường đã xây dựng và hoàn thiện các quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, thành lập các CLB văn hóa, thể thao ưa thích và tổ chức tư vấn các kỹ năng ứng xử những tình huống có liên quan đến tuổi học trò cho học sinh… Đây là bước tiến quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hoàn thiện nhân cách HS ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc