Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề
Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) vào học nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đã được ngành giáo dục tỈnh triển khai từ nhiều năm qua, góp phần đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT
So với nhiều địa phương trong cả nước, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh. Một phần nhờ quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên của các trường có bước phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện, cơ hội cho người học thuộc các đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục - Đào tạo đã làm tốt công tác phân luồng thông qua việc phối hợp với các cơ quan báo chí, các trường đại học, cao đẳng, TCCN đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, giúp HS sau tốt nghiệp THCS và THPT định hướng nghề nghiệp cho tương lai, chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân. Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) cho biết: “Sau khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường TCCN tuyển HS tốt nghiệp THCS và HS trượt tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT đã khuyến nghị các trường trong tỉnh cân đối chỉ tiêu tuyển sinh được giao, chú ý tuyển đối tượng HS tốt nghiệp THCS và HS hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp để góp phần phân luồng học sinh”. Nhờ đó, số lượng HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh vào học TCCN qua các năm tăng lên. Nếu như năm học 2005-2006, trong tổng số 35.707 HS tốt nghiệp THCS chỉ có 279 em vào học tại các trường TCCN thì đến năm học 2010-2011 có tới 865/33.071 HS tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề. Đối với hệ THPT, năm học 2005-2006 toàn tỉnh có 788 HS vào học ở các trường TCCN/22.115 HS tốt nghiệp, thì năm học 2010-2011 tỷ lệ này đã tăng gần gấp 3 lần (2.110/22.639 tổng số HS tốt nghiệp).
Cần những biện pháp đồng bộ
Việc phân luồng học sinh sau THCS tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém: phát triển giáo dục - đào tạo không cân đối giữa các luồng, hiệu quả xã hội của phân luồng chưa cao, các luồng phụ chưa thông thoáng. Nguyên nhân là do nhận thức xã hội về phân luồng chưa đúng hướng, nhất là tâm lý của phụ huynh và học sinh. Thực tế, 80% HS sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh được tuyển vào học tại các trường THPT, bổ túc THPT (thuộc các trung tâm GDTX). Số HS tốt nghiệp THCS vào học nghề, TCCN rất thấp và không thực sự ổn định. Tương tự như vậy, cứ đến mùa tuyển sinh, hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT đều nộp đơn vào trường đại học, cao đẳng mà bỏ qua các trường trung cấp mặc dù ở bậc đại học, cao đẳng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều, thời gian học lâu hơn và ra trường sinh viên chưa chắc đã có được việc làm ngay. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội là học đại học “oai” hơn, sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, với sự đa dạng về hình thức đào tạo, sự liên kết giữa các trường, ước mơ học đại học vẫn có thể trở thành hiện thực bằng con đường học liên thông. Cũng theo bà Lê Thị Kim Oanh: “Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, lao động qua đào tạo nghề đạt 14% trong tổng số lao động qua đào tạo; thu hút từ 5-8% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN (Quyết định số 1951 ngày 2-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ), ngoài làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc THCS, giúp các em định hướng việc học tập, tự tin lựa chọn trường thi, ngành nghề theo học phù hợp với điều kiện, năng lực, sở thích cá nhân… ngành Giáo dục cần tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là trang thiết bị thực hành cho các trường TCCN, TCN để nâng cao chất lượng dạy-học. Các trường TCCN nhất thiết phải công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo, đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, mức lương công việc sau này (có thể) để tạo sự tin tưởng cho phụ huynh và học sinh”.
Giờ thực hành của lớp sửa chữa điện tử Trường Cao đẳng nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên |
Một tín hiệu vui đối với ngành học TCCN, từ năm 2007 khi Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh đối tượng học sinh đã hoàn thành chương trình THPT, bổ túc THPT nhưng chưa tốt nghiệp vào học TCCN thì số lượng học sinh thuộc diện này trong các trường tăng lên. Trong tổng số 6.383 học sinh TCCN của năm học 2010-2011 đã có 1.423 em thuộc đối tượng này, chiếm tỷ lệ 22,3%.
Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT được thực hiện với những biện pháp tích cực, phát triển đúng hướng sẽ là biện pháp quan trọng nâng cao hiệu quả xã hội của công tác giáo dục trong tình hình hiện nay.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc