Multimedia Đọc Báo in

Quản lý dạy thêm, học thêm cấp Tiểu học: Cần những biện pháp chế tài cụ thể

20:15, 18/02/2012

Tình trạng dạy thêm, học thêm cấp Tiểu học đã đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Từ đầu học kỳ II năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT đã có động thái chấn chỉnh kịp thời việc dạy thêm, học thêm ở cấp Tiểu học trên địa bàn tỉnh. PV Báo Dak Lak đã trao đổi với ông Phạm Văn Nhăm, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Văn Nhăm
Ông Phạm Văn Nhăm
 
* Được biết Sở GD-ĐT vừa tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm tại một số trường tiểu học và cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ông có thể cho biết đôi nét về quan điểm xử lý vi phạm của Sở?  
 
- Quản lý dạy thêm, học thêm cấp Tiểu học đã được ngành Giáo dục triển khai từ nhiều năm nay, tuy nhiên việc thực hiện không nghiêm túc nên nhiều giáo viên vẫn cứ dạy thêm trái phép. Dạy thêm, học thêm đã trở thành “vấn nạn”, với nhiều hình thức khác nhau: theo tổ, theo nhóm, theo lớp, học tại lớp, tại nhà... bất kể thời gian sáng, trưa, chiều, tối  tùy vào việc sắp xếp thời gian của thầy, cô giáo nên gây nhiều bức xúc trong xã hội. Kiểm tra tại 10 trường Tiểu học “nóng” về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thì có 3 trường vi phạm quy định. Qua nguồn tin của quần chúng, Sở GD-ĐT cũng đã kiểm tra 7 cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trái với quy định...
 
 Sau đợt kiểm tra vừa qua, hoạt động dạy thêm, học thêm  trên địa bàn tỉnh đã bớt “nóng”. Một số cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường  trái quy định đã làm đơn xin mở cơ sở dạy thêm hoặc ngưng hoạt động. Đặc biệt, hiện tượng mượn phòng học của trường để dạy (ngồi ngay tại trường dạy thêm một giờ để thu tiền) đã chấm dứt. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số giáo viên “ép” học sinh lớp mình chủ nhiệm về nhà học thêm, thu tiền vượt quá mức cho phép, phòng học thêm không bảo đảm tiêu chuẩn… Một bộ phận giáo viên thì vẫn đang chờ “nghe ngóng” kết quả việc xử lý các trường hợp vi phạm. Vì vậy, Phòng Giáo dục Tiểu học đã tham mưu với Giám đốc Sở GD-ĐT kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và có biện pháp chế tài cụ thể, tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” rồi đâu lại vào đấy như trước đây.
Theo Quy định của Bộ GD-ĐT, những trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm
Theo Quy định của Bộ GD-ĐT, những trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm
* Như ông đã đề cập, rõ ràng nếu chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra, nhắc nhở sẽ dẫn đến tình trạng “ nhờn thuốc”. Vậy theo ông sẽ áp dụng biện pháp chế tài cụ thể như thế nào?
 
-Trong các văn bản ban hành trước đó đã quy định trách nhiệm quản lý và tổ chức dạy thêm học thêm đối với UBND các cấp, ngành Giáo dục, hiệu trưởng nhà trường, tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà  trường nhưng chưa cụ thể. Do vậy, để chấn chỉnh kịp thời hoạt động này cần có những biện pháp chế tài cụ thể hơn. Đối với nhà trường, sau khi đã quán triệt các văn bản quy định về dạy thêm, học thêm đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên; tổ chức ký cam kết không dạy thêm mà giáo viên vẫn cố tình vi phạm thì nhà trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải kiểm điểm và hạ bậc thi đua. Đối với giáo viên cố tình vi phạm thì phải xem xét tư cách đảng viên nếu là đảng viên, không được xếp loại thi đua và không xếp loại Chuẩn nghề nghiệp giáo viên. (Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau 1-2 năm không xếp loại Chuẩn nghề nghiệp giáo viên sẽ bị điều chuyển sang công việc khác).
 
*Theo ông việc không dạy thêm, học thêm đối với bậc Tiểu học có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?
 
-Thực ra học sinh đã học 2 buổi/ngày thì không cần học thêm nữa. Thậm chí Bộ GD-ĐT khuyến khích học sinh đến trường không cần cặp sách. Học sinh đã học cả ngày rồi mà giáo viên vẫn “ép” về nhà dạy thêm 2-3 giờ nữa là điều không thể chấp nhận được, hoàn toàn phản khoa học, không phù hợp tâm sinh lý của học sinh. Sở dĩ có tình trạng này là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả,  thực hiện chưa nghiêm túc. Giáo viên thích dạy thêm, còn phụ huynh không nắm được những quy định mới của ngành về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học. Thông tư 32/2009 của Bộ GD-ĐT quy định rõ: đối với học sinh tiểu học, tất cả các điểm kiểm tra trong năm không lấy làm căn cứ để đánh giá mà chỉ dùng để tham khảo. Cụ thể học kỳ I có một bài kiểm tra và cuối học kỳ II có một bài kiểm tra, nhưng chỉ lấy điểm kiểm tra của học kỳ II để đánh giá, xếp loại học sinh nên không cần học thêm nữa.
 
*Xin cảm ơn ông!
 
Nguyên Hoa (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc