Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012: Khối ngành kinh tế áp đảo

09:03, 04/02/2012

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, dự kiến chỉ tiêu tuyển mới đào tạo hệ chính quy đại học, cao đẳng năm 2012 phân theo nhóm ngành. Chỉ tiêu cụ thể bao gồm: kinh tế - tài chính - ngân hàng: 184.300; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn: 51.800; nông lâm ngư: 43.200. Như vậy, nhóm ngành kinh tế vẫn đứng đầu trong tổng chỉ tiêu dự kiến.

Học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011
Học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011

Trong những năm qua, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính là những ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất. Trong đó, quản trị kinh doanh có 340 cơ sở đào tạo (chiếm 8,3%), kế toán 297 cơ sở đào tạo (chiếm 8%), tài chính - ngân hàng 200 cơ sở đào tạo (chiếm 8%). 3 ngành học được thí sinh đăng ký nhiều nhất lần lượt là quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán.
 
Năm nay, nhiều trường tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành thuộc khối kinh tế, tạo thêm cơ hội cho thí sinh dự thi vào các ngành được xem là thời thượng này. Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) tiếp tục tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán kiểm toán, kinh tế đối ngoại với số lượng 240 sinh viên/ngành; các ngành kinh tế học, kinh tế và quản lý công, hệ thống thông tin quản lý cũng tuyển đến 100 sinh viên/ngành.

Trường Đại học Tài chính Marketing tuyển 2.400 chỉ tiêu hệ đại học tập trung vào các ngành thế mạnh là tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing.

Dẫn đầu chỉ tiêu ngành theo dự kiến tại Trường Đại học Sài Gòn là ngành tài chính - ngân hàng với 410 chỉ tiêu, kế đến là quản trị kinh doanh, kế toán với 380 chỉ tiêu/ngành, Trường  Đại học Kinh tế TPHCM dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu cho các ngành; Trường Đại học  Thương mại tuyển các ngành tài chính - ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing với 300-350 chỉ tiêu/ngành, Trường Đại học Ngoại thương cũng tuyển 2.400 chỉ tiêu, chủ yếu vào các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế…

Thí sinh dự thi khối A Trường Đại học Tây Nguyên năm 2011
Thí sinh dự thi vào khối A Trường Đại học Tây Nguyên năm 2011 (Ảnh minh họa)

Ngược với một số nhận định khối ngành kinh tế đang giảm sức hút, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng năm 2012, khối ngành kinh tế vẫn hấp dẫn thí sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận xét những năm qua có vẻ số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế giảm là do số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng giảm, thực chất nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh khá, giỏi. Xu hướng thí sinh vẫn thích chọn ngành kinh tế là do nhu cầu nhân lực của các ngành này vẫn còn rất lớn. Dễ kiếm việc làm và mức lương cao cũng là một trong những yếu tố cơ bản khiến các ngành kinh tế hấp dẫn thí sinh.

Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng xu hướng chọn các ngành kinh tế tồn tại nhiều năm trước. Tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát vài năm gần đây nên năm nay mặc dù các ngành kinh tế vẫn nhiều sức hút nhưng có thể không hút thí sinh như trước. Bên cạnh đó, công tác tư vấn tuyển sinh bước đầu có hiệu quả đã tác động đến nhận thức của thí sinh trong việc chọn ngành. Thí sinh đã biết cân nhắc kỹ khi chọn ngành kinh tế chứ không nộp đại hồ sơ theo phong trào như trước. Tuy nhiên, ngành kinh tế vẫn có sức hút bởi quan niệm “phi thương bất phú”, học kinh tế dễ kiếm tiền…

Theo thống kê về xu thế chọn ngành thì 10 ngành học được thí sinh đăng ký nhiều nhất là quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin, y đa khoa, sư phạm giáo dục tiểu học, điều dưỡng, kinh tế, công nghệ sinh học, luật…
 

NH (Nguồn Giáo dục và Thời đại, Người Lao động)
 


Ý kiến bạn đọc