Multimedia Đọc Báo in

Xung quanh vấn đề giáo viên bộ môn ở trường Tiểu học vùng dân tộc thiểu số

09:24, 07/02/2012
Những năm gần đây, các trường Tiểu học kể cả vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) được bố trí đủ giáo viên dạy các bộ môn như: thể dục, âm nhạc, mỹ thuật... Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao giáo dục toàn diện, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Tuy nhiên, ở một số trường vùng DTTS có nhiều điểm trường, việc thực hiện lại gặp không ít khó khăn.

Trước đây, khi chưa có giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục..., giáo viên dạy chung ở các trường Tiểu học vùng DTTS thường chủ động điều chỉnh thời gian giữa các môn học phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ nhận thức của học sinh. Một số giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 ở các trường Tiểu học vùng sâu huyện Krông Bông như Cư Pui 2, Cư Đrăm, Yang Mao, Yang Hăn cho biết: Học sinh là người DTTS ở đây chiếm tỷ lệ lớn, trình độ nhận thức còn hạn chế. Nếu các em không đọc, không viết, không tính toán được sẽ rất khó học những môn học khác. Vì vậy, Tiếng Việt và Toán được xác định là 2 môn đặc biệt quan trọng đối với học sinh Tiểu học ở đây; 1 tiết học bình thường chỉ từ 30-35 phút nhưng với học sinh DTTS, để dạy đạt yêu cầu có khi một tiết Tiếng Việt hay Toán giáo viên phải kéo dài 60-70 phút, thậm chí 80 phút. Từ đó dẫn đến việc phải giảm thời gian ở một số môn học khác. Từ khi có giáo viên dạy bộ môn, giáo viên dạy chung bị "gò bó" về thời gian, không thể điều chỉnh thời gian cho những môn học theo nhu cầu vì ảnh hưởng đến những môn học khác. Hiệu quả của những tiết dạy tiếng Việt, Toán vì thế bị hạn chế rất nhiều, việc tiếp thu kiến thức của học sinh cũng khó khăn hơn...

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên bộ môn ở các trường vùng sâu, vùng DTTS cũng gặp nhiều khó khăn vì đa số các trường thường có rất nhiều điểm trường cách xa nhau, đường sá khó khăn. Thầy Dương Quang Minh, giáo viên thể dục Trường TH Cư Pui 2 (Krông Bông) cho biết: "Nhà trường có 7 điểm trường, để dạy đủ 23 tiết theo quy định thì tôi phải "chạy sô" đến 5 điểm trường. Vào mùa mưa nhiều hôm tôi phải đi bộ cả chục ki-lô-mét từ điểm trường này đến điểm trường kia". Mỗi ngày, 1 giáo viên phải dạy 3 - 5 tiết ở nhiều điểm trường khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5 nên việc soạn giáo án, sử dụng phương pháp, bồi dưỡng học sinh, di chuyển, nghỉ ngơi, sinh hoạt...cũng gặp nhiều khó khăn. Có những trường chỉ có hơn 10 lớp nhưng cũng có đến 2 - 3 điểm trường. Vì thế, để bảo đảm dạy đủ 23 tiết/tuần, nhà trường phải phân công giáo viên âm nhạc dạy thêm thể dục, giáo viên mỹ thuật dạy thêm thể dục hoặc kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội...Vì vậy trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS một cách toàn diện, thiết nghĩ các trường cần được tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, tạo điều kiện tăng thời lượng cho môn Tiếng Việt, Toán và thực hiện hiệu quả các môn học khác; phân công thời khóa biểu hợp lý cho đội ngũ giáo viên dạy bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, Anh văn, tin học... và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, nhất là các trường có nhiều điểm trường để đội ngũ giáo viên này hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc