“Loạn” với ngôn ngữ @!
Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường sử dụng loại chữ mới (được gọi là “ngôn ngữ teen” hay “ngôn ngữ @”) khi nhắn tin bằng điện thoại di động hoặc chat trên mạng Internet, thậm chí nhiều học sinh còn dùng để chép bài và làm bài kiểm tra! Nhiều bạn trẻ coi loại chữ này là “mốt” và sử dụng nó cũng "hay hay" mà không nghĩ rằng loại ngôn ngữ @ đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Một lần tình cờ tôi được một đồng nghiệp trẻ cùng trường cho xem một tin nhắn điện thoại mà thoạt tiên tôi không tài nào hiểu nổi nội dung của nó: “Uk. Chj co chjen ze dau. Zan bt thou muk. Hj. Kon em seo rou? Ja djnh zan khoe chuk? Nghe nua moa em moj zo doa co wen duog xa j hum?”. Suy luận một hồi, tôi và mấy đồng nghiệp tạm dịch ra là: “Ừ. Chị có chuyện gì đâu. Vẫn bình thường thôi mà. Hi. Còn em sao rồi. Gia đình vẫn khỏe chứ? Nghe nói má em mới vô đó, có quên đường sá gì không?). Tin nhắn nói trên là một ví dụ điển hình của cái gọi là ngôn ngữ @. Thứ ngôn ngữ @ này thường ngắn gọn, sử dụng ký tự chữ số, dấu… để “mã hóa” nội dung, chẳng hạn: wá, wyển (quá, quyển); wen (quen); wên (quên); iu (yêu); lun (luôn); bùn (buồn); bit k? (biết không?); bít rùi (biết rồi); mí (mấy); dc (được); ko,k (không); u (bạn, mày)… Hoặc: chuối, củ chúi (dở hơi); khoai (khó); phở (đẹp đẽ, ngon lành); điên đảo (cực kỳ); vãi (kinh khủng); hack (siêu); hic (buồn), haha (vui)...
Với nhiều học sinh THCS, THPT, thói quen sử dụng những ký hiệu, mật mã hay là những từ ngữ hiện đại hóa như trên còn được sử dụng cả trong giao tiếp đời thường hay ghi chép bài học tại trường. Và không hiếm những từ ngữ ở quán Internet được học sinh sử dụng thoải mái trong khi làm bài kiểm tra. Cô Vương Mai, giáo viên dạy văn tại Trường THCS Hòa Phong (Krông Bông) ngán ngẩm: “Có những lúc chấm bài kiểm tra, tôi phải mày mò mãi mới dịch ra được. Những em viết chữ như vậy thường bị trừ 0,5 điểm cho một lỗi, nhưng cũng không đủ để răn đe, dường như việc sử dụng loại chữ này đã trở thành một thói quen khó bỏ”. Nhiều bạn trẻ còn lợi dụng ngôn ngữ này để thoát khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ vì bố mẹ không tài nào dịch nổi nội dung tin nhắn của con gửi cho bạn bè.
Bên cạnh những ngôn ngữ trên, trong giới trẻ hiện còn phổ biến cách sử dụng ngôn ngữ nửa tây nửa ta. Những từ tiếng Anh như: go, or, play, of ... thường được lồng trong câu tiếng Việt khiến những câu nói càng trở nên khó hiểu hơn. Nhưng nhiều học sinh cho biết, nếu không nói kiểu này thì bị chê là quê mùa, lạc hậu.
Có thể thấy rằng việc sử dụng ngôn ngữ teen quá bừa bãi hiện nay trong giới trẻ đang làm mai một những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt. Hãy thử tưởng tượng xem sẽ như thế nào nếu một ngày nào đó những văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp, chính tả theo đúng cấu trúc câu tiếng Việt sẽ được thay bằng những ký hiệu, mật mã, câu từ khó hiểu như ngôn ngữ @? Thiết nghĩ, nhà trường, gia đình và xã hội cần tăng cường giáo dục, làm cho học sinh hiểu được, cảm được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt để gìn giữ và phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Nguyễn Trung Thu
Cái lạ ở đây chính là giới trẻ đang lạm dụng các thuật ngữ, ngôn ngữ pha tạp, lai căng tối nghĩa… một cách tùy tiện, gây phản cảm cho người nghe, đọc: nhỏ như con thỏ; chán như con gián; buồn như con chuồn chuồn… Hay tự tạo ra những “thành ngữ” sáo rỗng, vô nghĩa kiểu: nhí nha nhí nhảnh như con cá cảnh; nhục như con cá nục; hồn nhiên như cô tiên… Và đặc biệt là cách viết lại càng làm cho người đọc cảm thấy rùng mình với các ký tự được “sáng tạo” theo kiểu trời ơi như: chữ “k” thay chữ “c”; chữ “p” thay chữ “b”… Từ đó, giới trẻ “đẻ” ra lối viết: “U an~kum ru`iua!`!” (Bạn ăn cơm rồi à!); “Troy`oy nog wa` th^i” (Trời ơi nóng quá thôi!), “Hum ny ko`hok 0?” (Hôm nay có học không?)… Chưa hết, giới trẻ còn “phát kiến” ra lối nói, viết nửa tây, nửa ta để trao đổi, chuyện trò với nhau mà chỉ có họ mới hiểu được: “no star where” (không sao đâu), “no table” (miễn bàn), “no four go” (vô tư đi), “know die now” (biết chết liền)…
Trần Hữu
Ý kiến bạn đọc