Multimedia Đọc Báo in

Ôn thi môn Sử thế nào để đạt hiệu quả ?

08:29, 31/03/2012

Kỳ thi tuyển sinh Cao Đẳng – Đại học đã đến gần; đặc biệt năm nay kỳ thi tốt nghiệp PTCS có môn Lịch sử, vì vậy các sĩ tử đang tăng tốc ôn thi. Nhưng ôn như thế nào để đạt hiệu quả thì không phải là điều dễ dàng mà cần phải có phương pháp. Một trong những môn học mà nhiều học sinh cảm thấy “đau đầu” nhất là môn Lịch sử. Xin được trao đổi một số kinh nghiệm cùng các sĩ tử đang dự định chọn thi khối C.

Môn Sử đòi hỏi sự tập trung cao hơn nhiều so với các môn khác, nên thời gian tốt nhất để học thuộc các số liệu, lý thuyết…là vào sáng sớm. Phần bài tập, đọc sách tham khảo nên dành cho buổi tối. Sáng sớm là khoảng thời gian mà bộ não đã được nghỉ ngơi sau một đêm, có không gian yên tĩnh, trong lành là điều kiện rất thích hợp để ghi nhớ kiến thức. Trước khi ngủ cần nhẩm lại những chi tiết khó nhớ và hệ thống lại các số liệu, lý thuyết đã học.

Sẽ rơi vào tình trạng học vẹt, nhớ lộn xộn các nội dung, số liệu và sẽ quên rất nhanh nếu không bắt đầu học từ những phần đầu tiên theo trình tự, diễn biến của thời gian, sự kiện lịch sử. Ví dụ: bạn thấy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 dễ học nên học trước rồi mới quay ngược lại học chiến dịch Việt Bắc 1947…Học như vậy, những sự kiện, mốc thời gian rất khó nhớ, hoặc nhớ lẫn lộn theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, khi làm bài sẽ thiếu tính logic và lập luận không chặt chẽ.

Không nên tự ép mình học thuộc một cách máy móc mà luôn nghĩ ta là người đang trực tiếp tham gia vào từng chiến dịch và theo sát mỗi trận đánh. Trong trận Biên giới Thu Đông 1950, hãy tưởng tượng mình là người trong cuộc đang chỉ huy, suy nghĩ tìm chiến lược, chiến thuật để đánh địch; vì sao ta phải ký hiệp định Sơ bộ với thực dân Pháp? Ta tức giận khi thực dân Pháp láo xược gửi tối hậu thư cho ta trong khi ta đã nhân nhượng với chúng…Đây là phương pháp để người học chủ động nhớ một cách rất tự nhiên và hiểu sâu được vấn đề.

Hãy nói những gì mình biết và hãy nghe những gì chưa biết, cùng trò chuyện, trao đổi hoặc đố nhau trong nhóm ôn thi về các sự kiện, mốc lịch sử như: “Thế nào là tổng tiến công toàn dân, toàn diện và tự lực cánh sinh?”; “Cuộc khởi nghĩa Yên Bái diễn ra năm nào?”… Phương pháp này sẽ giúp củng cố và tích lũy được vốn kiến thức tổng hợp về lịch sử để vận dụng làm những đề thi “biến hóa” đa dạng.

 Tự tìm “mẹo” cho mình, khi đọc một con số hay một mốc thời gian lịch sử, hãy xem thử nó có trùng với sự kiện nào ấn tượng với bạn không? Ví dụ: ngày giải phóng Buôn Ma Thuột trùng với ngày sinh của chị bạn; số quân địch bị diệt trong chiến dịch Việt Bắc trùng với biển số xe của nhà bạn…Cần lưu ý những mốc thời gian gần giống nhau, dễ nhầm như: 21-7 là ngày ký Hiệp định Giơnevơ và ngày 27-1 là ngày ký Hiệp định Pari…

Chúc các sĩ tử sáng suốt lựa chọn và vận dụng các phương pháp ôn thi một cách linh hoạt, hiệu quả để đạt được kết quả như ý trong kỳ thi tới.

Trần Hữu


Ý kiến bạn đọc