Đưa dân ca vào trường học: Góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Đưa dân ca vào trường học đã được ngành Giáo dục tỉnh thực hiện từ nhiều năm qua và càng được quan tâm hơn khi toàn ngành triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực” nhằm định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho học sinh; đồng thời góp phần lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những tín hiệu vui
Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chuyên viên Sở GD-ĐT khẳng định, dân ca trong trường học ở tỉnh ta không phải là “mảng trắng” và không nên quá lo lắng trước sự mai một của dân ca. Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục tỉnh đã nỗ lực đưa dân ca đến với học sinh thông qua nhiều kênh như: giới thiệu dân ca Tây Nguyên và những bài hát về Dak Lak trên trang thông tin điện tử của Sở GD-ĐT để giáo viên, học sinh tham khảo, học tập; sưu tầm, biên soạn, in ấn và cấp phát tài liệu Những bài hát địa phương Dak Lak cho tất cả các trường tiểu học trong tỉnh (áp dụng theo chương trình môn hát nhạc Tiểu học phần giới thiệu các bài hát địa phương). Tài liệu này gồm 23 bài hát dân ca của các dân tộc cư trú lâu đời ở Tây Nguyên và những bài hát phổ thông viết về Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng, có nội dung giản dị, dễ hát, dễ học, phù hợp với trình độ của học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, cuốn tài liệu còn dành 5 trang giới thiệu bằng hình ảnh và chú giải về cấu tạo, phương pháp biểu diễn, chức năng của một số nhạc cụ thường được sử dụng ở Tây Nguyên như: ching Kram, T’rưng, Hơ gơr, Ky Pah, đing Buốt, đing Năm, đing Tác Ta, đing Tút, goong Kram, Broh... Đặc biệt, định kỳ 2 năm Sở GD-ĐT tổ chức các hội thi: giáo viên Mầm non hát dân ca, học sinh tiểu học hát dân ca tạo sân chơi bổ ích cho giáo viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về hát dân ca. Đến với hội thi không chỉ có các trường ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mà nhiều thầy, cô giáo nhà ở cách xa hơn 100 km, phải đem theo con nhỏ vẫn háo hức tham gia. Qua đó cho thấy, hát dân ca có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giáo viên và học sinh các cấp học. “Ngoài những bài hát dân ca trong chương trình sách giáo khoa, chúng tôi còn thường xuyên sưu tầm bài hát mới trên Internet, đặc biệt sưu tầm những bài đồng dao đang lưu truyền trong cộng đồng dân tộc thiểu số để dạy học sinh. Một thuận lợi đối với các trường, là phụ huynh cũng “mê” những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm nên sẵn sàng tạo điều kiện về thời gian, vật chất để các cháu tham gia Hội thi”, cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Krông Bông) nói.
Hội thi học sinh tiểu học hát dân ca là sân chơi bổ ích của các em. |
Cần sự vào cuộc của các ngành
Không ai có thể phủ nhận lợi ích của dân ca đối với việc hình thành nhân cách con người, nhất là trẻ thơ. Tuy nhiên, để đưa dân ca vào trường học, các trường cần vận dụng thích hợp trong các tiết dạy âm nhạc chính khóa và tiết học tự chọn của từng bậc học. Đồng thời đưa vào các hoạt động ngoại khóa như: tổ chức câu lạc bộ học hát dân ca, nói chuyện về dân ca theo chuyên đề, hội diễn hoặc liên hoan tiếng hát dân ca, trò chơi âm nhạc chuyên về dân ca, giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân đàn, hát dân ca…Theo nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn, việc đưa các đội hát dân ca do giáo viên, học sinh (được tuyển chọn qua các hội thi hát dân ca) đến từng trường biểu diễn sẽ giúp học sinh có sự cảm nhận sâu sắc, từ đó yêu thích dân ca hơn. Nhạc sĩ La Sơn dẫn chứng: “Dẫu đã 40-50 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ rõ những chương trình hát dân ca tại trường trước đây: sân khấu trang trí như thế nào; ca sĩ, diễn viên mặc trang phục gì, hát bài gì… Còn bây giờ, phần lớn học sinh chỉ được tiếp cận với dân ca qua hoạt động biểu diễn trên sân khấu, internet… nên không mấy “mặn mà” cũng là điều dễ hiểu.
Về phía người dạy, không phải tất cả giáo viên âm nhạc đều có thể cảm thụ và thể hiện tốt các bài hát dân ca mà chỉ đạt đến một mức độ nào đó. Điều này được thể hiện rõ qua các Hội thi giáo viên mầm non hát dân ca và học sinh tiểu học hát dân ca. Nhiều học sinh, giáo viên lựa chọn bài hát không phù hợp với lứa tuổi, quá lạm dụng nhạc điện tử và múa phụ họa gây phản cảm. Theo Ban tổ chức các hội thi, có tình trạng trên là do giáo viên và học sinh chưa xác định được thế nào là dân ca, dân ca phát triển và những bài hát mang âm hưởng dân ca, chưa biết đệm nhạc dân ca… Những lỗi thường gặp này sẽ được hạn chế khi ngành Giáo dục tổ chức tập huấn cho giáo viên phương pháp đưa dân ca vào trường học. Ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục rất cần sự quan tâm từ các cấp các ngành như Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí trong việc sưu tầm, biên soạn, giảng dạy giới thiệu… các bài hát dân ca cho học sinh, góp phần bảo tồn, phát huy dân ca các vùng miền và dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Nguyên Hoa
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết, trong Chương trình giáo dục Mầm non, âm nhạc là một trong những hoạt động giáo dục có chủ đích không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, thể chất mà còn phát triển tình cảm, thẩm mỹ. Những câu dân ca, lời ru ngọt ngào cô hát cho cháu nghe thực sự là “dưỡng chất” tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn. Trong nhịp sống hiện đại, hối hả hiện nay, những khúc hát ru có sức cảm hóa rất tự nhiên đối với trẻ thơ càng trở nên cần thiết.
Ý kiến bạn đọc