Huyện Krông Bông: Khó khăn trong việc bảo vệ cơ sở vật chất ở các điểm trường
Các trường mẫu giáo và tiểu học vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số của huyện Krông Bông hầu hết đều có rất nhiều điểm trường. Việc quản lý, sử dụng bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các điểm trường lẻ này còn nhiều hạn chế, khó khăn. Nhiều phòng học, bàn ghế, bảng chống lóa, tủ hồ sơ, các công trình vệ sinh, điện, nước sạch... mới đưa vào sử dụng nhưng đã nhanh chóng xuống cấp.
Sân trường trở thành sân phơi. |
Đa số điểm trường lẻ chưa có cổng trường và hàng rào nên trẻ chăn trâu thường xuyên đập cửa kính, ổ khóa các phòng học để vào viết vẽ bậy lên tường, phá phách bàn ghế, tháo gỡ đồ điện, phá tủ lấy đi những đồ dùng dạy học, sách vở của giáo viên và học sinh; thả trâu bò vào phóng uế, phá hoại cây cối; cậy cửa vào phòng ở nội trú lấy trộm đồ đạc, tư trang của cán bộ, giáo viên, nhân viên... Thầy Trịnh Văn Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui cho biết: "Trường có đến 6 điểm trường lẻ, cách nhau hàng chục km trong khi chỉ có 1 bảo vệ nên việc bảo quản cơ sở vật chất ở các điểm lẻ gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các ngày nghỉ như thứ 7, chủ nhật và dịp hè. Cửa lớp học mới được xây dựng nhưng đã bị vỡ hết kính, các tủ đựng hồ sơ để ở lớp học đều bị phá...". Nhiều điểm trường như buôn Khanh, Ea Lang, Ea Bar, Ea Rớt (Trường Tiểu học Cư Pui 2); các điểm trường Mẫu giáo Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao thì vẫn phổ biến tình trạng người dân đi làm nương rẫy ngang qua sân trường làm ảnh hưởng đến việc dạy và học. Thầy Trần Văn Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn cho biết: "Điểm trường Yang Hăn được thành lập từ năm 1997 nhưng đến nay người dân vẫn đi làm nương rẫy, thậm chí trâu bò, xe công nông vẫn cứ đi ngang qua sân trường, làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy. Nhà trường đã báo cáo và làm tờ trình nhiều lần nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn do địa phương chưa quy hoạch được đường đi riêng cho dân". Trường Mẫu giáo Cư Pui cũng vậy, 14 điểm trường đều chưa có hàng rào nên những ngày nghỉ, trẻ em thường vào phá bàn ghế, lấy cắp đồ dùng dạy học, vẽ bậy lên tường, thả trâu bò vào trường phá hoại cây cối. Có những điểm lẻ như Noh Prông (Trường Tiểu học Cẩm Phong), Cư Đhắt (Trường Tiểu học Yang Hăn) tuy đã thành lập hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa được quy hoạch, vẫn còn làm trên đất của dân; do đó không thể xây dựng phòng học kiên cố và tường rào bảo vệ nên hằng ngày có rất nhiều người, xe cộ, trâu bò đi qua lại làm ảnh hưởng đến việc dạy học, thậm chí sân trường trở thành sân phơi nông sản của nhiều hộ nông dân; sân bóng đá của thanh niên. Một số điểm trường lẻ đã được xây dựng công trình vệ sinh nhưng việc sử dụng, bảo quản chưa hiệu quả do thiếu nước, thiếu người trực dọn vệ sinh, bảo vệ, tu sửa, dẫn đến tình trạng mới đưa vào sử dụng nhưng hầu hết đã bị xuống cấp.
Để bảo vệ cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là ở các điểm trường lẻ, thiết nghĩ các cấp, ngành địa phương cần quan tâm đến việc quy hoạch đất để xây dựng các điểm trường lâu dài; quy hoạch đường đi cho dân, không để họ đi ngang qua sân trường làm ảnh hưởng đến mỹ quan sư phạm và chất lượng giảng dạy; đầu tư xây dựng cổng trường, tường rào bảo vệ, đặc biệt nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ tài sản trường học.
T.L
Ý kiến bạn đọc