“Lưu ý vàng” khi làm hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng
Thời gian làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng không còn bao xa nữa. Trước khi quyết định chọn trường nào, ngành nào, khối nào… có cơ hội trúng tuyển cao, thí sinh cần lưu ý những yếu tố sau đây:
- Khi làm hồ sơ dự thi, các em nên cân nhắc đến sức học của mình, xem bản thân mình học tốt những môn nào thì chọn khối thi tương ứng. Nếu học tốt các môn khối A, B, C, D… thì rất dễ dàng chọn ngành, chọn trường nhưng nếu học đều các môn hoặc học tốt chỉ một hoặc hai môn của một khối thi thì nên chọn khối thi nào mà mình có ưu thế nhất thì cơ hội trúng tuyển mới cao.
- Khi đã quyết định được ngành học phù hợp với sức học của mình thì các em nên đăng ký đúng nguyện vọng 1 vào ngành học của trường đã chọn đó. Đừng nên chọn những trường hay ngành học mà hằng năm có điểm chuẩn quá cao so với khả năng của mình vì sẽ khó đậu nguyện vọng 1, đến khi dự tuyển nguyện vọng 2, 3… thì chưa chắc có những ngành ưng ý như ban đầu nên cơ hội trúng tuyển cũng ít đi.
- Để có thêm cơ hội trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, thí sinh cũng cần xem tỷ lệ chọi qua các năm để lựa chọn những trường sao cho dễ thở nhất. Theo các chuyên gia, thông thường những trường và ngành mới mở dễ trúng tuyển hơn. Vì số lượng người biết sẽ ít hơn, điểm chuẩn sẽ thấp hơn, dẫn đến cơ hội trúng tuyển cao hơn.
- Thí sinh có thể nộp bao nhiêu hồ sơ cũng được. Thế nhưng trong mỗi đợt thi, thí sinh chỉ có thể dự thi tại một trường. Do vậy, để tránh những lãng phí không cần thiết, những học sinh có sở trường các môn khối A nên đăng ký thi thêm khối B để dự phòng. Hoặc thi khối A1 thí sinh có thể thi thêm khối D, tức ôn thêm môn Văn. Những khối thi này có các môn thi rất gần với nhau và có ngày thi khác nhau nên thuận lợi cho việc ôn và thi. Không nên đăng ký ở 2 khối thi có các môn thi rất xa nhau sẽ tốn thời gian, công sức và tiền của. Thậm chí rất dễ bị trượt.
- Khi làm hồ sơ dự thi, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ xem đâu là trường công lập, đâu là trường ngoài công lập. Những trường ngoài công lập thường chi phí học tập cao hơn trường công lập. Vì vậy, ngoài việc vào website của trường đó để tìm hiểu, thông thường thí sinh có thể xem trường đó có tổ chức thi hay không? Phần lớn những trường không tổ chức thi là trường ngoài công lập và các trường cao đẳng ở địa phương.
- Với những trường không tổ chức thi, muốn đăng ký học, thí sinh phải nộp hồ sơ thi nhờ ở một trường có tổ chức thi và theo đúng khối thi. Nếu trường thí sinh muốn đăng ký học có tổ chức thi thì thí sinh phải dự thi tại trường đó (hoặc thi cụm) chứ không được thi nhờ một trường khác.
- Nên tham khảo ý kiến của những người đi trước. Ở lớp 12, mặc dù đã trưởng thành nhưng có không ít học sinh còn chọn ngành nghề theo kiểu phong trào rất dễ nhầm lẫn và bỏ lỡ cơ hội học tập. Vì vậy, những thông tin về ngành nghề nào mà chưa nắm rõ, còn phân vân thì nên tham khảo ý kiến của bố mẹ, cô chú, anh chị, thầy cô…, nhất là những người đang học hoặc đang công tác trong các lĩnh vực liên quan. Bằng kinh nghiệm, họ sẽ giúp các em có cái nhìn thực chất về ngành nghề và cả cơ hội việc làm sau khi ra trường
- Theo quy định của Bộ, thời gian nộp hồ sơ từ ngày 15-3 đến 17 giờ ngày 16-4. Ngoài thời gian trên thí sinh có thể nộp trực tiếp tại các trường tổ chức thi từ ngày 17-4 đến 17 giờ ngày 23-4. Học sinh đang học lớp 12 trung học phổ thông tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí đăng ký dự thi tại trường đó. Các đối tượng khác nộp hồ sơ và lệ phí tại các địa điểm do Sở Giáo dục - đào tạo quy định. Vì vậy, khi nộp hồ sơ dự thi phải đúng thời điểm như quy định.
Tóm lại, khi đặt bút làm hồ sơ dự thi, thí sinh nên tìm hiểu kỹ lưỡng những thông tin mới nhất về kỳ thi năm nay. Nếu cảm thấy còn băn khoăn ở điểm nào, nên tham khảo ý kiến của những người đi trước: bố mẹ, cô chú, anh chị, thầy cô…, nhất là những người làm công tác tuyển sinh hằng năm.
Ngô Mã Thiên
Ý kiến bạn đọc