Những bất cập trong thu nhập tăng thêm ở một số trường học
Triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập, nhiều đơn vị trường học đã thực hiện một cách hiệu quả việc tự chủ về tài chính, đặc biệt nhờ tiết kiệm được ngân sách trong chi thường xuyên nên ở nhiều đơn vị, cuối năm cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) thường có thêm phần thu nhập tăng thêm (TNTT).
Những năm gần đây, điều mà nhiều CBGVNV hồi hộp chờ đợi là cuối năm sẽ được nhận bao nhiêu tiền TNTT từ việc tiết kiệm; bàn luận, so bì sau khi đã nhận tiền, tại sao giáo viên trường kia nhận được nhiều, giáo viên trường mình lại nhận được ít...; thậm chí nhiều CBGVNV còn gây những áp lực không nhỏ cho hiệu trưởng và kế toán của trường mình khi cuối năm nhận được ít tiền TNTT. Nhiều hiệu trưởng làm việc hiệu quả, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhưng cuối năm lại bị giáo viên chê trách vì không có TNTT... Ông Phan Xuân Phong, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Krông Bông cho biết: "Thời gian vừa qua, nhiều trường trên địa bàn đã phản ánh với Phòng GD-ĐT và Công đoàn ngành về những bất hợp lý, thiếu công bằng trong việc chi TNTT giữa các trường. Mức TNTT giữa các trường không giống nhau bởi có tình trạng là những trường ít tổ chức các hoạt động, ít mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên môn thì CBGVNV được nhận nhiều tiền TNTT; còn có những trường ít hoặc không có TNTT vì đã tổ chức nhiều hoạt động...".
Quả thật, trên thực tế, một số trường vì tổ chức nhiều hoạt động; mua sắm trang thiết bị, xây dựng các công trình nhưng việc huy động các nguồn đóng góp của nhân dân hạn chế do điều kiện của người dân gặp nhiều khó khăn nên cuối năm không có TNTT; ngược lại, có những trường thuận lợi, tranh thủ được sự đóng góp của phụ huynh để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị nên tiết kiệm được ngân sách dôi dư cuối năm để chi TNTT; lại có những trường chỉ nghĩ đến việc TNTT của đội ngũ CBGVNV mà hoạt động cầm chừng ít hiệu quả, thậm chí không tham gia một số hoạt động, ít mua sắm… để dành cuối năm chia TNTT. Thầy Nguyễn Hữu Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui (Krông Bông) tâm sự: " Trong khi việc huy động các nguồn đóng góp trong nhân dân rất khó khăn, nhà trường vẫn tận dụng nguồn chi thường xuyên mua sắm được nhiều trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và quản lý; tham gia đầy đủ các hoạt động do cấp trên đề ra; thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn, hoạt động đoàn thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp trong đội ngũ giáo viên nên cuối năm… hết tiền. Do đó nhiều giáo viên cảm thấy buồn khi không có tiền TNTT".
Thiết nghĩ, để TNTT thực sự là một trong những động lực kích thích các đơn vị chủ động tiết kiệm, chống lãng phí nhằm hưởng được những lợi ích từ việc tiết kiệm song vẫn bảo đảm tổ chức đầy đủ và có hiệu quả tất các các hoạt động theo quy định của ngành và của nhà trường đề ra, cần có sự kiểm tra việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; việc lập kế hoạch; giám sát chặt chẽ hoạt động, kết quả hoạt động của các nhà trường thông qua các đợt thanh tra toàn diện, thanh tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất của Phòng GD-ĐT, của các cụm thi đua... Đó cũng là cách để việc chi TNTT trong các trường học được thực hiện một cách hiệu quả, công bằng.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc